Ảnh minh họa.
Theo đó, cử tri gửi đến Bộ Nội vụ 07 vấn đề, băn khoăn, cũng như đề xuất về chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ nhất, theo cử tri, hiện tại công chức đang hưởng lương đại học tại các sở ngành tỉnh và UBND cấp huyện (khối cơ quan hành chính) đa phần chỉ hưởng phụ cấp công vụ, tổng lương thực nhận hiện khoảng 05 triệu đồng (chưa trừ các khoản BHXH), đây là lực lượng chiếm khá đông tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Các đối tượng trên nhận mức lương cơ bản là 6,5 triệu đồng, không có các khoản phụ cấp kèm theo (đa số) trong 09 loại Phụ cấp được giữ lại theo cải cách tiền lương mới tại Nghị quyết 27 là không phù hợp với cơ cấu tiền lương mới tại Nghị quyết 27 (70 % lương cơ bản và 30% là phụ cấp).
Thứ hai, phụ cấp theo đơn vị hành chính (phụ cấp mới khi cải cách tiền lương) chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện và xã là chưa phù hợp, các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại các cấp hành chính khác nhau, phụ trách tham mưu công việc, khối lượng tham mưu, mức độ phức tạp của vị trí việc làm, phạm vi tác động là khác nhau, theo tinh thần trả lương theo vị trí việc làm, theo mức độ phức tạp của công việc.
Thứ ba, hiện tại đối tượng nhận được phụ cấp công vụ không có đối tượng là viên chức (đa phần), theo lương cơ bản mới (áp dụng chung với công chức viên chức) trên cơ sở tính gộp cả phụ cấp công vụ (theo mức lương cũ) và tăng lên theo mức đó. Dẫn đến đối tượng là viên chức có mức tăng lương cao hơn đối tượng là công chức.
Thứ tư, việc tăng lương trung bình các đối tượng được tăng khoảng 22% đến 25%, dẫn đến các đối tượng đang có mức lương cao thì tăng khá nhiều, các đối tượng lương đang thấp thì mức tăng rất ít, bậc lương chuyên viên đại học mức 2,34 hiện tại tăng lên hơn 1,2 triệu đồng. Và các đối tượng hiện hưởng lương cao mức tăng từ 2,1 triệu đồng trở lên (ví dụ từ hệ số 4.0 trở lên).
Theo cử tri, tinh thần cải cách tiền lương đảm bảo mức sống cho các đối tượng đang hưởng lương thấp, đảm bảo sống bằng lương, tuy nhiên mức tăng nêu trên đối với các đối tượng đang hưởng lương thấp chưa phù hợp.
Thứ năm, tinh thần trả lương khuyến khích công chức nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tại Nghị quyết 27. Các đối tượng công chức trong quá trình công tác, có thay đổi về trình độ chuyên môn, đào tạo cao hơn (ví dụ từ đại học lên thạc sĩ) chưa có chính sách phù hợp theo tinh thần khuyến khích nêu trên. Việc chỉ áp dụng khi tuyển dụng đầu vào thạc sĩ được hưởng mức 2,67 là chưa khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn trong quá trình công tác.
Thứ sáu, việc trả lương theo vị trí việc làm, cùng mức độ phức tạp của công việc thì hưởng lương như nhau, hiện tại theo dự kiến vẫn phân theo ngạch và trong từng ngạch có các hệ số, chưa phân biệt được cùng mức độ phức tạp của vị trí việc làm hưởng mức lương như nhau.
Thứ bảy, đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ quy định Khung phụ cấp cho từng ngành, các Bộ ngành theo lĩnh vực, trong đó đề xuất các mức cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, từng lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, thực hiện áp dụng thống nhất toàn quốc.
Liên quan đến phản ánh, kiến nghị trên của cử tri, Bộ Nội vụ cho biết, theo phân công của Chính phủ về việc triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Nội vụ đang tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, các chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương... để thực hiện từ ngày 01/7/2024 (thay thế chế độ tiền lương hiện hành) trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
TRẦN QUÝ