Ảnh minh họa.
Ngày 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho biết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa ra một số quy định khi phương tiện đến đường giao nhau bảo đảm tối đa an toàn giao thông đường bộ như Điều 12 chấp hành báo hiệu đường bộ, Điều 13 chấp hành quy định tốc độ và khoảng cách giữa các xe, Điều 17 về việc lùi xe. Như vậy, khi phương tiện đi đến nơi đường bộ giao nhau, nơi giao với đường sắt, ngoài việc chấp hành các báo hiệu theo Điều 12, còn phải giảm tốc độ hoặc dừng lại. Quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho người điều khiển xe cũng như những người khác cùng tham gia giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, tại điểm b, khoản 4, Điều 12 về chấp hành báo hiệu đường bộ, tín hiệu đèn màu vàng quy định người tham gia giao thông phải chấp hành như sau: khi có tín hiệu đèn màu vàng phải dừng trước vạch dừng lại; khi người tham gia giao thông đến đường giao nhau có bố trí đèn tín hiệu xảy ra các tình huống:
Một là, đối với đèn có hiển thị thời gian, người điều khiển phương tiện giao thông biết được còn đủ thời gian đèn xanh để đi qua hay không và theo quy định phải giảm tốc độ thì đối với tình huống này, người điều khiển phương tiện hoàn toàn chủ động quyết định dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng. Thỏa mãn yêu cầu của Luật.
Hai là, đối với đèn không hiển thị thời gian, xe đã giảm tốc độ đi gần đến vạch dừng, người điều khiển phương tiện cũng đủ thời gian dừng lại trước vạch dừng khi đèn vàng bật sáng và cũng thỏa mãn yêu cầu của Luật.
Ba là, xe đã giảm tốc độ vừa chớm qua vạch dừng thì đèn vàng bật sáng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông sẽ rất khó xử lý. Vì luật quy định không được đi tiếp, cũng không lùi được theo quy định tại Điều 17.
Theo Đại biểu, tình huống thứ ba người điều khiển không có lỗi vì mặc dù đã giảm tốc độ lúc đèn xanh nhưng họ không thể biết được lúc nào đèn vàng sẽ bật sáng. Vì thế, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giải quyết các tình huống giao thông như trên.
Còn Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) thì băn khoăn về quy định chấp hành báo hiệu đường bộ tại điểm b, khoản 4, Điều 12. Cụ thể: "Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng". Theo đó, Đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp khi đèn tín hiệu giao thông không hiển thị thời gian mà xe đã đi vào vạch dừng, đèn vàng mới xuất hiện, hoặc trường hợp không có tín hiệu màu vàng và đèn tín hiệu không hiển thị thời gian mà xe đã đi vào vạch dừng. Các trường hợp này lái xe nên xử lý như thế nào? Đồng thời, đề nghị phải có quy định cụ thể đối với các trường hợp trên.
Cùng quan tâm đến quy định đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng tại dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) thì cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự thống nhất với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo – Tín hiệu đường bộ (Công ước Viên) mà Việt Nam là thành viên và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.
Theo Đại biểu, cả hai văn bản này và Luật Giao thông đường bộ 2008 đều xác định trường hợp đèn tín hiệu vàng bật khi người tham gia giao thông đã bị quá vạch dừng thì được đi tiếp. Điều này phù hợp với thực tế và không gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Do đó, Đại biểu đề nghị đối với quy định về đèn tín hiệu màu vàng, dự thảo Luật cần giữ nguyên như quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, theo đó đèn tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch thì được đi tiếp. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa thống nhất với thông lệ quốc tế, vừa khoa học và thực tiễn đúng với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.
HOÀNG TRẦN (t/h)