/ Pháp luật - Đời sống
/ Kim sơn - Ninh Bình: Người dân tiếp tục có đơn tố cáo liên quan đến quy trình tố tụng tại giai đoạn xét xử sơ thẩm

Kim sơn - Ninh Bình: Người dân tiếp tục có đơn tố cáo liên quan đến quy trình tố tụng tại giai đoạn xét xử sơ thẩm

25/07/2024 10:27 |

(LSVN) - Vừa qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn thư của bà Trần Thị Thanh Hương, sinh ngày 20/02/1985, thường trú tại khối 4, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình liên quan đến việc tố cáo Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng, Chánh án Nguyễn Hữu Mạnh (Toà án nhân dân (TAND) huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã có những vi phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, giải quyết tố cáo. Tòa soạn đã chuyển nội dung đơn thư đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời khách quan, đa chiều đến đọc giả.

Đơn thư của bà Trần Thị Thanh Hương gửi đến Tòa soạn.

Theo đó, bà Hương là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hôn nhân gia đình: “Tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn” đã được TAND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thụ lý vụ án số 16/2024/TLST-HNGĐ ngày 05/02/2024 mà nguyên đơn trong vụ án này là bà Đào Thị Thanh và bị đơn là ông Trần Mạnh Hà. 

Theo đơn thư, ngày 15/4/2024, bà Hương đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, ngôn luận tố cáo Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng (TAND huyện Kim Sơn) đã có nhiều sai phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án nêu trên (có đơn tố cáo ngày 15/4/2024 gửi kèm). Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà Hương, Chánh án TAND huyện Kim Sơn Nguyễn Hữu Mạnh đã ra Quyết định giải quyết tố cáo số 01/QĐ-TA ngày 12/6/2024 bác toàn bộ đơn tố cáo ngày 15/4/2024 của bà Hương.
 
Xét thấy việc giải quyết tố cáo của Chánh án Nguyễn Hữu Mạnh theo Quyết định giải quyết tố cáo số 01/QĐ-TA ngày 12/6/2024 là không đúng pháp luật, bà Hương tiếp tục tố cáo những sai phạm của Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng và Chánh án Nguyễn Hữu Mạnh đến các cơ quan Đảng, chính quyền, pháp luật, báo chí ngôn luận ở Trung ương, tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn. Để các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, ngôn luận có cách nhìn khách quan, trung thực, toàn diện về vụ việc này. Trong đơn, bà Hương đã chỉ ra những sai phạm của Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng và Chánh án Nguyễn Hữu Mạnh trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, giải quyết tố cáo. 

Theo đơn của bà Hương, Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã thụ lý vụ án vượt quá phạm vi đơn khởi kiện của bà Đào Thị Thanh, xâm phạm nghiêm trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 

Theo Thông báo về việc thụ lý vụ án số 16/TB-TLVA ngày 05/02/2024 của Toà án nhân dân huyện Kim Sơn (Thông báo về việc thụ lý vụ án số 16/TB-TLVA) mà bà Hương nhận được ngày 16/02/2024 thì Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã thụ lý yêu cầu giải quyết phân chia tài sản chung sau ly hôn là quyền sử dụng một phần đất nằm ở phía Bắc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30 thị trấn Bình Minh có diện tích là 131m2 và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà mái bằng hai tầng và công trình phụ có diện tích 82,5m2. 

Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện ngày 05/02/2024 của bà Đào Thị Thanh mà bà Hương (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã chụp tại Toà án nhân dân huyện Kim Sơn vào ngày 01/3/2024 (sau ngày chị Hương  nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án số 16/TBTLVA 14 ngày) thì bà Thanh chỉ yêu cầu TAND huyện Kim Sơn giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng ông Hà, bà Thanh là ngôi nhà mái bằng hai tầng và công trình phụ có diện tích 82,5m2 xây dựng trên diện tích 131m2 đất thuộc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30 thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong đơn khởi kiện ngày 05/02/2024, bà Thanh không yêu cầu Toà án chia tài sản chung sau ly hôn là quyền sử dụng một phần đất nằm ở phía Bắc thửa đất số 24, tờ bản đồ số 30, thị trấn Bình Minh có diện tích là 131m2 như Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã đưa vào trong Thông báo về việc thụ lý vụ án số 16/TB-TLVA. Ngoài đơn khởi kiện ngày 05/02/2024 như nêu trên thì trong hồ sơ vụ án này không còn có đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung nào khác của bà Thanh (tính đến ngày 01/3/2024). Theo đơn phản ánh của bà Hương, Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã thụ lý vụ án vượt quá phạm vi đơn khởi kiện của nguyên đơn Đào Thị Thanh, xâm phạm nghiêm trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 

Ngoài ra, Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng trong vụ án của ông Trần Mạnh Hà. Theo đó, trong vụ án nêu trên, Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã xác định ông Trần Mạnh Hà tham gia tố tụng với tư cách là “bị đơn” là không đúng pháp luật vì “Bị đơn” theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 được hiểu: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. 

Trụ sở TAND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Nhưng trên thực tế, từ cuối tháng 10/2020 (trước thời điểm bà Đào Thị Thanh (vợ cũ của ông Trần Mạnh Hà) khởi kiện vụ án này 40 tháng) thì ông Hà đã vắng mặt tại địa phương, không có bất kỳ thông tin, tin tức gì cho nên bà Thanh không thể cho rằng ông Hà (người đã bị Toà án nhân dân huyện Kim Sơn tuyên bố mất tích vào ngày 04/8/2023 theo Quyết định số 04/2023/QĐST-VDS) xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thanh được. Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì ông Hà không thể là bị đơn trong vụ án này.

Theo bà Hương, Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng xác định sai quan hệ pháp luật có tranh chấp do ông Hà không thể là bị đơn như đã trình bày ở trên cho nên bị đơn trong vụ án này (nếu có) chỉ có thể là một, hai,... người trong số bốn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là bà Phùng Thị Bé (chủ nhà đất đang tranh chấp), bà Trần Thị Thanh Hương (con gái bà Phùng Thị Bé), vợ chồng ông Trịnh Hải Vân - bà Phạm Thị Trang (người đang quản lý nhà đất đang tranh chấp). 

Vì bị đơn chỉ có thể là một, hai,... người trong số bốn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có tên nêu trên cho nên tranh chấp nhà đất giữa nguyên đơn Đào Thị Thanh và bị đơn đó (nếu có) không phải là tranh chấp về hôn nhân và gia đình như Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng đã xác định mà đó phải là tranh chấp về dân sự theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 

Vì tranh chấp nhà đất trong vụ án nêu trên là tranh chấp về dân sự như đã trình bày ở trên cho nên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì: “Đối với loại tranh chấp để xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013. Nếu chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”. Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tranh chấp nhà đất nêu trên bắt buộc phải hoà giải tại Ủy ban nhân dân thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 nhưng trong vụ án này đã không có Biên bản hoà giải của Ủy ban nhân dân thị trấn Bình Minh (trong các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện mà bà Thanh nộp cho TAND huyện Kim Sơn trong vụ án này chỉ có các Biên bản hoà giải ngày 01/11/2021, ngày 02/11/2021 và Biên bản hoà giải ngày 01/4/2022 của hai vụ án trước mà bà Thanh cũng là nguyên đơn nhưng hai vụ án trước đã bị TAND huyện Kim Sơn ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án).  

Bà Hương cho rằng, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; điểm b khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. 

Ngoài ra, bà Hương còn tố cáo về việc Chánh án TAND huyện Kim Sơn Nguyễn Hữu Mạnh đã áp dụng sai căn cứ pháp luật khi giải quyết tố cáo. 

Theo đó, trong Quyết định giải quyết tố cáo số 01/QĐ-TA ngày 12/6/2024, Chánh án TAND huyện Kim Sơn Nguyễn Hữu Mạnh đã căn cứ vào Thông tư số 01/2020/TTTANDTC ngày 18/6/2020 của Chánh án TAND Tối cao để giải quyết đơn tố cáo của bà Hương là không chính xác vì tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này có quy định như sau: 

Tại “Điều 1: Phạm vi điều chỉnh. 2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng;” khiếu nại trong việc bắt giữ tàu biển theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; khiếu nại trong việc bắt giữ tàu bay theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; khiếu nại việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; khiếu nại trong quá trình giải quyết phá sản theo Luật Phá sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 01/2020/TT-TAND Tối cao ngày 18/6/2020 của Chánh án TAND tối cao thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này nhưng Chánh án TAND huyện Kim Sơn Nguyễn Hữu Mạnh đã sử dụng Thông tư này để giải quyết đơn tố cáo về tố tụng của bà Hương là thiếu chính xác, không đúng pháp luật. 

Việc tranh chấp nhà đất nêu trên thì vào các năm 2021, 2022, bà Thanh đã hai lần khởi kiện ra TAND huyện Kim Sơn và cả hai lần này, TAND huyện Kim Sơn đều đã thụ lý vụ án trái pháp luật. Trước việc TAND huyện Kim Sơn thụ lý trái pháp luật trong cả hai vụ án trước cho nên bà Hương đã có đơn tố cáo cùng với việc các cơ quan chức năng, báo chí ngôn luận vào cuộc, phanh phui ra những sai phạm của TAND huyện Kim Sơn, do đó TAND huyện Kim Sơn đã buộc phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết đối với cả hai vụ án trước. Đây là vụ án thứ ba, TAND huyện Kim Sơn cố tình thụ lý trái pháp luật đối với cùng nhà đất như trong hai vụ án trước. 

Từ những phân tích nêu trên, trong đơn, bà Hương yêu cầu Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình: “Tranh chấp chia tài sản chung sau khi ly hôn” đã được Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng thụ lý trái pháp luật vào ngày 05/02/2024. Yêu cầu Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng dừng việc xem xét, thẩm định tại chỗ; dừng việc giải quyết vụ án nêu trên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định giải quyết tố cáo tiếp theo.

Cũng liên quan đến nội dung trên, vào ngày 10/7/2024, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã chuyển nội dung đơn của bà Trần Thị Thanh Hương đến Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Ninh Bình, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 15/7/2024, Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được Thông báo phản hồi số 172/TB-VKS-TTR-KT của VKSND tỉnh Ninh Bình về nội dung Phiếu chuyển đơn của Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Tại thông báo trên, VKSND tỉnh Ninh Bình đã nhận được Văn bản số 33/PC-TCLSVN ngày 10/7/2024 của Tạp chí Luật sư Việt Nam, kèm theo đơn tố cáo ghi ngày 20/6/2024 của bà Trần Thị Thanh Hương (thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) gửi ngày 09/7/2024 với nội dung tố cáo Thẩm phán Hoàng Ngọc Hưng có nhiều sai phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn" thụ lý số 16/2024/TLST-HNGĐ ngày 5/2/2024 và ông Nguyễn Hữu Mạnh, Chánh án TAND huyện Kim Sơn áp dụng sai căn cứ pháp luật khi giải quyết tố cáo. Yêu cầu ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và dừng việc xem xét, thẩm định tại chỗ cho đến khi giải quyết tố cáo tiếp.

Căn cứ quy định của pháp luật, ngày 02/7/2024, VKSND tỉnh Ninh Bình đã chuyển đơn của bà Trần Thị Thanh Hương đến TAND tỉnh Ninh Bình và thông báo chỉ dẫn cho công dân.

PV

Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại ngõ 63 Hàng Đào

Nguyễn Hoàng Lâm