/ Kinh tế - Pháp luật
/ Krông Pa (Gia Lai): Đất, cát ‘lậu’ vào công trình trọng điểm gần trăm tỉ

Krông Pa (Gia Lai): Đất, cát ‘lậu’ vào công trình trọng điểm gần trăm tỉ

27/09/2023 06:38 |

(LSVN) – Là dự án trọng điểm kết nối các xã với vùng trung tâm của huyện Krông Pa, với mục đích phát triển kinh tế xã hội. Nhưng trong qua trình thi công các đơn vị trúng thầu lại dùng nguyên vật liệu “lậu” để san lấp mặt bằng, làm nền đường, được khai thác ngay tại địa phương nhưng các cơ quan chức năng lại không hề hay biết.

Công trình đường giao thông trọng điểm kết nối các xã lân cận với thị trấn Phú Túc.

Đất “lậu”, cát “lậu” vào công trình trọng điểm

Krông Pa là vùng đất xa xôi và khó khăn nhất, nằm về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, Krông Pa có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng quanh năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp; đặc biệt hạn hán, mất mùa liên tục xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.

Qua đó để đánh thức tiềm năng trên vùng đất này, với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào huyện Krông Pa, xây dựng góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Để nền kinh tế phát triển toàn diện, Krông Pa cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng cơ sở; trong đó ưu tiên phát triển giao thông nông thôn và đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển hàng hóa, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Theo thông tin dự án “Đường giao thông kết nối các xã Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, Krông Pa”, tổng giá trị theo gói thầu là 73.873.540.000 đồng, ngày mở thầu 28/11/2022, giá dự thầu 79.698.193.897,88 đồng, giá trúng thầu 73.794.600.000 đồng được khởi công vào tháng 12/2022. Đơn vị trúng thầu: Liên danh 3 Công ty thi công, một trong các nhà thầu đang thi công tuyến đường trên là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ An Phú. Theo kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm Dauthau.info, thì riêng Công ty An Phú trong thời gian qua đã tham gia 34 gói thầu, trong đó trúng 30 gói.

Cát lậu được vận chuyển về công trình.

Nhưng trong quá trình thi công các đơn vị trúng thầu lại sử dụng nguồn vật liệu lậu để thi công công trình. Người dân tại xã Phú Cần cho biết bức xúc cho biết: Xe làm công trình này xúc cát ở đây đã gần được 1 tháng rồi, dùng để đổ bê tông làm đường, trả công xúc 1 xe với khối lượng là khoảng 5m3 cát với giá 200.000 đồng. Từ khi công trình xúc ở đây là khoảng hơn 200 xe này rồi, xúc đây ra đổ công trình làm đường ngoài này.

Người dân lo lắng việc “khai thác trộm” cát, đất không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và nhất là phục vụ cho con đường kết nối giao thông trên chất lượng sẽ không đảm bảo, có thể làm mất an toàn cho người dân lưu thông trên các tuyến đường này.

Chủ đầu tư không quan tâm chất lượng vật liệu đầu vào

Sau nhiều ngày quan sát tại khu vực lòng sông nơi không được cấp phép mỏ khai thác cát thì phóng viên ghi nhận có 2 chiếc xe tải ben thường xuyên vận chuyển cát lên đổ tại vị trí tập kết vật liệu của Công ty An Phú để trộn bê tông phục vụ công trình. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nào phát hiện.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại để thông tin cho lãnh đạo UBND huyện biết, ông Hồ Văn Thảo xác nhận việc khai thác cát để bán cho công trình như vậy là sai và sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án kiểm tra xử lý. 

Cát lậu được trộn xi măng trực tiếp để làm đường.

Ngày 29/8/2023, phóng viên liên hệ trao đổi thông tin với ông Trần Ngọc Khôi, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Krông Pa, liên quan về vấn đề nguồn vật liệu đầu vào của công trình có dấu hiệu không đảm bảo và không rõ nguồn gốc sẽ không đảm bảo được chất lượng và gây thất thoát tài nguyên cũng như ngân sách của nhà nước thì ông Khôi cho biết : “Tôi chỉ quản đầu ra thôi và mục đích của mình là cái chất lượng là quan trọng, còn họ lấy ở đâu là việc của họ, không quan tâm đầu vào là cát lấy ở đâu hoặc như thế nào mình không quan tâm, miễn làm sao họ đem vật liệu tới, cũng như xi măng họ chở ở đâu thì mình không biết, mình kiểm tra chất lượng xi măng đó có phải là xi măng giả hay không thôi, cát có đúng là có pha đất lẫn lộn hay không thôi. Nhà thầu làm đúng quy định, bên Ban lúc nào cũng giám sát công trình 24/24”; “2 điểm mỏ đất này là phục vụ cho công trình, có biên bản có kiểm lâm ký, hiện đã trình lên Sở TNMT nhưng phê duyệt hay chưa thì chưa biết, còn về các nhà thầu thi công đang thực hiện lấy đất này làm đường là được Chủ tịch UBND huyện cho phép”.

Việc ông Trần Ngọc Khôi (đại diện chủ đầu tư) trả lời như vậy liệu có đúng với trách nhiệm và quy định củ pháp luật hay không. Việc công ty thi công công trình sử dụng nguồn vật liệu tại vị trí không được cấp phép như vậy thì các cơ quan chức năng liên quan và đơn vị giám sát có biết hay không?

Đất lậu được khai thác dùng làm nền đường.

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết là Nghị định 46/2015/NĐ-CP) và Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bào trì công trình xây dựng (gọi tắt là Thông tư số 26/2016/TT-BXD), quy định:

1. An toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường.

2. Vật liệu, cấu kiện sử dụng vào công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

3. Vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2.

4. Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu trong nước. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, việc sử dụng vật liệu nhập khẩu phải được quy định trong nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phù hợp với thiết kế xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) do người quyết định đầu tư quyết định.

XUÂN MÙI – THỦY LINH

 

Nguyễn Mỹ Linh