/ Pháp luật - Đời sống
/ Krông Pa (Gia Lai): Tái diễn tình trạng tàn phá rừng phòng hộ

Krông Pa (Gia Lai): Tái diễn tình trạng tàn phá rừng phòng hộ

02/08/2023 14:55 |

(LSVN) – Dù Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai khẳng định “không để mất rừng”, thế nhưng tình trạng rừng bị tàn phá vẫn đang xảy ra tại địa phương này.

Hiện trường nhiều cây gỗ tự nhiên tại khu rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, Krông Pa vừa bị đốn hạ.

Theo Báo cáo số 238/BC–HKL ngày 04/7/2023 của Hạt Kiểm lâm Krông Pa, về mặt đánh giá chung có nội dung: 6 tháng đầu năm 2023, Hạt Kiểm lâm đã kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, đơn vị chủ rừng triển khai công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường hoạt động phối hợp giữa các lực lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tại xã Ia Rsai, rừng phòng hộ thuộc diện quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai, Krông Pa đang xảy ra tình trạng các đối tượng “lâm tặc” ngang nhiên cắt hạ gỗ rừng. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài vẫn không bị xử lý của các cơ quan chức năng, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngang nhiên triệt hạ rừng phòng hộ

Tại cánh rừng của xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, nơi còn sót lại những cây rừng cổ thụ của rừng phòng hộ, đồng thời cũng là điểm nóng của nạn phá rừng. Cảnh tượng trước mắt là những cây gỗ lớn đã bị hạ, cắt thành những đoạn dài 3m-3.5m, đường kính 30cm-40cm, tùy theo từng đoạn. Tất cả được tập kết ven đường chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng. Đi tiếp sâu vào bên trong khu rừng, những gốc cây gỗ lớn đã bị đốn hạ nằm trơ vẫn còn tươi màu nhựa cây.

Đoàn xe sắt “lâm tặc” vận chuyển gỗ trái phép đi qua con đường bê tông. 

Tiến sâu tiếp vào bên trong, nhiều cây to lớn chỉ còn lại gốc, phần thân cây nằm ngổn ngang trên mặt đất và dọc theo bờ suối, có những cây gỗ có đường kính gần 1m đã bị cắt hạ, xẻ thành hộp chuẩn bị vận chuyển đi. Xung quanh rất nhiều cây con bị gãy rạp ngổn ngang, máy cưa, xe kéo vẫn còn nguyên tại hiện trường nhưng không có một bóng người.

Tại những địa điểm này, tầm cuối giờ chiều khi người dân làm nương rẫy gần đó ra về cũng chính là lúc "lâm tặc" bắt đầu chặt hạ cây rừng. Nhiều gốc cây nhựa tươi vẫn còn chảy ra chưa khô, có những cây gốc đã cũ bị cưa thời gian trước đó.

Theo chia sẻ của một số người dân địa phương, mặc dù đã bị hạ chưa chở ra được nhưng đó là những cây đã có chủ, họ chặt hạ xuống để "mai mốt chở về tập trung cho mấy đầu nậu lớn ở thị trấn".

Hàng ngày, tầm từ 19h tối là lúc đội vận chuyển gỗ lậu bắt đầu hoạt động, tiếng gầm rú từ những chiếc xe độ chế xé tan màn đêm tĩnh mịch. Hàng chục chiếc xe máy được nhóm “lâm tặc” điều khiển chạy bon bon chở gỗ về nơi tập kết, những xe được che bạt hoặc áo mưa thì sẽ chạy thẳng đường bê tông đi ngang qua trụ sở UBND xã Ia Rsai hướng từ rừng phòng hộ Ia Rsai (buôn Oi Kia) và hướng bãi vàng ra, những xe không phủ bạt thì sẽ chạy đường đất chở về các làng để tập kết lại và chờ vận chuyển đi sau.

Điều đáng nói là dù chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nhưng không hề phát hiện, Hạt Kiểm lâm Ia Rsai, Ban Quản lý rừng phòng hộ vẫn hàng ngày tuần tra nhưng “lâm tặc” vẫn "vô tư" mang gỗ ra khỏi rừng.

Điều đáng nói, rừng bị chặt phá đến đâu là đường được mở đến đó để thuận lợi cho quá trình vận chuyển, nhưng vẫn không bị các cơ quan quản lý bảo vệ rừng của huyện Krông Pa phát hiện xử lý.

Câu trả lời từ cơ quan chức năng

Để làm rõ tình trạng chặt phá rừng diễn ra công khai, ngang nhiên nhưng các cơ quan quản lý không phát hiện, ngăn chặn, trao đổi với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa Trương Quốc Dụng cho biết: “Từ đầu năm 2023, đến nay trên toàn địa bàn huyện xảy ra 10 vụ lâm luật đã xử lý, lực lượng mỏng, trạm kiểm lâm có 4 chỉ tiêu biên chế nhưng hiện tại không có nên phân anh em trực”.

Nhưng điều lạ lùng là ngay tại điểm nóng xã Ia Rsai hàng ngày rừng vẫn bị tàn phá, rất nhiều cây gỗ bị đốn hạ thì không được ông Dụng nhắc tới. 

Hình ảnh những cây gỗ rừng tự nhiên bị cắt hạ tại cánh rừng thuộc xã Ia Rsai. 

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong những năm gần đây, toàn hệ thống chính trị của huyện rất quyết liệt trong công tác bảo vệ rừng bước đầu đã thu được những kết quả nhất định”. Vậy tại sao lại có hiện tượng “lâm tặc” tàn phá rừng mà các cơ quan chức năng của huyện không hề hay biết thì ông Thảo khẳng định: “Tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an huyện, Hạt Kiểm lâm đi kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể để để xảy ra tình trạng phá rừng”.

Hành vi phá rừng bị xử lý như thế nào?

Theo khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật.

Cụ thể, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hành vi hủy hoại rừng bị xử lý thế nào?

Tội "Hủy hoại rừng" được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

Hành vi vi phạm quy định về quản lý rừng bị xử lý thế nào? 

Hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng được hiểu là hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật; cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Khi hành vi vi phạm này có mức độ và tính chất nguy hiểm thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý rừng" được quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 

XUÂN MÙI – THỦY LINH

Nguyễn Mỹ Linh