(LSO) - Sáng 20/9, Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên mở lại phiên toà sơ thẩm xét xử công khai lại vụ án dân sự thụ lý số 02 ngày 18/12/2019 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình tố tụng hình sự”.
Nguyên đơn là cụ Đặng Thị Nga (81 tuổi, trú tại khối Sơn Thủy, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo) và con trai Trịnh Huy Dương (50 tuổi, trú tại Điện Biên), hai trong số ba mẹ con mang án oan giết chồng, giết cha suốt 28 năm về trước đã được tổ chức xin lỗi công khai.
Bị đơn chính là TAND tỉnh Điện Biên, do ông Lương Tiến Phương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên (là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên).
Hội đồng xét xử gồm: Bà Bùi Thị Thu Hằng, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; Hội thẩm nhân dân là các bà Hà Thị Vũ và Kháng Mai Thu.
Trước đó, ngày 17/7/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện, tuy nhiên sau đó đã phải hoãn xử. Lý do là ngay khi phiên tòa bắt đầu, Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Việt (Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình) đã đề nghị thay Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa để đảm bảo khách quan vì Thẩm phán Hoàng Thị Hòa chính là thẩm phán từng được phân công giải quyết khiếu nại của gia đình bà Nga đối với quyết định bồi thường oan của TAND tỉnh Điện Biên.
Tại phiên toà ngày 20/9, Hội đồng xét xử đã đồng ý để hai bên thương lượng lần cuối. Kết quả gia đình cụ Nga và TAND tỉnh Điện Biên đã "tìm được tiếng nói chung". Hai bên lập biên bản thống nhất số tiền bồi thường là hơn 5,7 tỉ đồng.
Trong số này, cụ Đặng Thị Nga được bồi thường gần 2,5 tỉ đồng; ông Trịnh Công Hiến (đã mất) được bồi thường 939 triệu đồng; ông Trịnh Huy Dương được bồi thường hơn 2,2 tỉ đồng, ba người con còn lại của cụ Nga gồm ông Trịnh Việt Dũng, bà Trịnh Thị Ngọc và ông Trịnh Việt Vương được bồi thường tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.
Theo ông Trịnh Huy Dương (con trai thứ hai của bà Đặng Thị Nga), tại lần thương lượng thứ 5, TAND tỉnh Điện Biên đã có quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại oan sai cho gia đình với tổng số tiền 3,6 tỉ đồng, thấp hơn quá nhiều so với số tiền đã tạm thống nhất được tại 2 lần thương lượng trước đó diễn ra vào giữa tháng 5 và tháng 7 của năm 2018 là gần 13 tỉ đồng.
Các nội dung đạt được trong 2 lần này, gồm: Bồi thường thiệt hại do thu nhập bị mất, bồi thường thiệt hại tổn thất về sức khỏe; tiền tổn thất, thiệt hại về tinh thần cho bà Đặng Thị Nga, cũng như 3 người con Trịnh Huy Dũng, Trịnh Thị Ngọc, Trịnh Việt Vương; tiền thuốc bồi dưỡng sức khỏe đối với riêng bà Nga trong 28 năm; chi phí khai quật, mai táng, thuê luật sư; các khoản bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh Công Hiến (con trai cả của bà Nga, đã mất); các khoản bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh Huy Dương (con trai thứ hai của bà Nga), các khoản bồi thường hợp lý khác theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, tại lần thương lượng thứ 5, TAND tỉnh Điện Biên chỉ đồng ý mức tiền bồi thường thiệt hại 3,6 tỉ đồng cho gia đình gồm: Bồi thường cho bà Đặng Thị Nga 1,8 tỉ đồng (tiền thiệt hại sức khỏe trong 28 năm là 70 triệu đồng, thiệt hại tinh thần 1,32 tỉ đồng, chi phí khiếu nại 282 triệu đồng); ông Trịnh Huy Dương 899 triệu đồng (gồm thiệt hại thu nhập thực tế 242 triệu đồng, tổn thất tinh thần 264 triệu đồng, chi phí khiếu nại 272 triệu đồng); ông Trịnh Công Hiến 894 triệu đồng (gồm thiệt hại thu nhập thực tế 242 triệu đồng, tổn thất tinh thần 500 triệu đồng, chi phí khiếu nại 116 triệu đồng).
Không chấp nhận mức bồi thường, gia đình đành nộp đơn khởi kiện TAND tỉnh Điện Biên, yêu cầu xem xét lại việc giải quyết bồi thường oan sai cho gia đình.
Về nội dung vụ án, năm 1989, thi thể ông Trịnh Huy Tùng (chồng cụ Nga) được tìm thấy dưới giếng. Công an huyện Tuần Giáo khởi tố, bắt giam ba mẹ con cụ Nga để điều tra về tội "Giết người".
Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) xét xử sơ thẩm, phạt cụ Nga 36 tháng tù treo về tội "Che giấu tội phạm".
Hai con trai của cụ là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị buộc tội giết cha, tuyên án lần lượt 18 năm tù và 12 năm tù. Cụ Nga lặn lội đến khắp các cơ quan trung ương kêu oan cho mình và hai con.
Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 01/1992, trong quá trình điều tra lại, VKSND tỉnh Lai Châu cũ quyết định hủy bỏ việc tạm giam với ông Hiến và ông Dương sau 28 tháng tạm giam. Cũng kể từ đây, vụ án bị treo lơ lửng gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào dù gia đình cụ Nga liên tục gửi đơn kêu oan.
Tháng 10/2017, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố cụ Nga và hai con trai không phạm tội giết người và che giấu tội phạm. Tuy nhiên, ông Hiến đã qua đời trước khi được minh oan.
Ngày 24/10/2017, mẹ con của cụ Nga được xin lỗi công khai. Tuy nhiên, gần 3 năm nay với nhiều lần gặp gỡ giữa cơ quan tố tụng gây oan sai, song gia đình cụ chưa nhận được bồi thường theo yêu cầu.
LINH NHI (t/h)