/ Pháp luật - Đời sống
/ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV : Quốc hội thông qua 34 luật, quyết định nhiều vấn đề lịch sử

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV : Quốc hội thông qua 34 luật, quyết định nhiều vấn đề lịch sử

28/06/2025 07:18 |19 ngày trước

(LSVN) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua 34 luật, 13 nghị quyết, trong đó có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như sửa đổi Hiến pháp, sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Ngày 27/6, tại buổi Họp báo Công bố kết quả Kỳ họp thứ 9, đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao. Kỳ họp diễn ra trong hai đợt (từ ngày 05 - 29/5 và từ ngày 11 - 27/6/2025), thể chế hóa nhiều chủ trương quan trọng của Đảng, đặc biệt là các nội dung về đổi mới, hoàn thiện thể chế và sắp xếp tổ chức bộ máy.

Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội.

Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội. 

Cụ thể, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Đáng chú ý, về hoàn thiện thể chế, pháp luật và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố. Theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46,03%) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu (giảm 6.714 đơn vị, tương đương 66,91%).

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 14 luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và quy định mới của Hiến pháp, bảo đảm tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; quy định các nội dung chuyển tiếp để giải quyết các vấn đề phát sinh khi chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, thông suốt, ổn định của bộ máy cơ quan chính quyền địa phương, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng để tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước, trong đó, Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - hai trong số "4 trụ cột" quan trọng để đưa đất nước vươn mình, góp phần tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân...

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Theo đó, Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026. Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Theo đó, số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là 20 người, gồm: Chủ tịch Quốc hội, 6 Phó Chủ tịch Quốc hội và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đối với ông Y Thanh Hà Niê Kđăm để nhận nhiệm vụ công tác khác; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với ông Lâm Văn Mẫn và ông Hoàng Duy Chinh; bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc...

Ngoài ra, Quốc hội đã tiến hành xem xét, thảo luận về các báo cáo: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; kết quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV... Đồng thời, Quốc hội đã dành 1,5 ngày để tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

NGỌC ANH (t/h)

Các tin khác

LSVN