LSVNO - Các luật sư có thể đề nghị điều tra viên, hoặc người giám định cung cấp những nội dung ghi chép của họ trong quá trình lập các tài liệu đó. Mặc dù vậy, đề nghị này thường bị từ chối với lý do là các tài liệu điều tra chưa được coi là chứng cứ. Việc tiếp cận không đầy đủ hồ sơ tài liệu của người giám định làm căn cứ kết luận tạo ra rất nhiều khó khăn để đánh giá kết luận đó có đúng đắn không?
Đoàn công tác trước Điện Kremlin…
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tiếp cận hệ thống pháp luật của Liên Xô (nay là Liên bang Nga), chúng tôi hình dung mô hình tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam kế thừa rất nhiều các đặc điểm mô hình TTHS Liên bang (LB) Nga.
Sau này, khi có điều kiện tìm hiểu sâu hơn thông qua các Hội thảo quốc tế do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS 2003, tôi hiểu hệ thống pháp luật Nga là một hệ thống luật tư dựa trên những bộ luật thành văn. Phù hợp với hệ thống tòa án ở các nước theo hệ thống luật tư khác, hệ thống xét xử của Nga giải quyết các vụ án từ các vấn đề thuộc các lĩnh vực chủ đạo khác nhau của pháp luật.
Nga có ba hệ thống tòa án: (1) Các tòa chung thẩm, đứng đầu là Tòa án tối cao, cơ quan có chức năng xử lý các tội phạm nói chung và các vấn đề dân sự; (2) Các tòa thương mại, còn gọi là trọng tài, đứng đầu là Tòa trọng tài tối cao, cơ quan chuyên xử lý các tranh chấp thương mại; (3) Tòa án Hiến pháp, cơ quan quyết định các vấn đề thuộc Hiến pháp và phân xử sự mâu thuẫn giữa các nhánh và các bộ phận khác nhau thuộc Chính phủ.
Ban mai tỏa nắng trên Tòa nhà bên dòng sông Moskva. Ảnh: Hoài Phan.
Mặc dù Nga là nước theo hệ thống luật tư nhưng không có nghĩa là nước này không hề có án lệ, tức là những phán quyết của Tòa án được coi là nguồn của pháp luật.
Hệ thống án lệ này không được phát triển toàn diện như ở các nước theo hệ thống luật công, cũng như không có một bộ phận pháp luật là sản phẩm duy nhất của các phán quyết của Tòa án như ở các nước thuộc hệ thống luật công.
Các phán quyết là nguồn của pháp luật ở Nga đều là sự thể hiện của pháp luật đã được ban hành, dù luật đã được ban hành đó là Hiến pháp, một đạo luật hay quy định. Để có một hệ thống án lệ vận hành được thì phải tiếp cận được những phán quyết tòa án. Sự tiếp cận này đã tăng theo cấp số nhân từ 25 năm về trước.
Việc xuất bản với chi phí thấp và nhanh chóng tuyển tập các phán quyết, sự phát triển của dữ liệu pháp lý thương mại và các trang web chính thức của Tòa án giúp chúng ta dễ dàng tìm được rất cả các phán quyết có thể liên quan đến một vụ việc.
Trong đó, phải kể đến các phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Điều 106 Luật Hiến pháp về Tòa án Hiến pháp quy định rằng “các giải thích về Hiến pháp của Tòa án là chính thức và có giá trị bắt buộc đối với tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của quyền lực nhà nước”.
Theo quan điểm của ông William Burnham - Giáo sư Luật học đến từ Hoa Kỳ, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về mô hình TTHS Liên bang Nga trình bày tại Hội thảo quốc tế do LĐLSVN tổ chức năm 2012, tác động mang tính tiền lệ của các quyết định của Tòa án Hiến pháp đều quan trọng hơn đối với thực tế là Tòa án cũng thừa nhận quyền giải thích các luật liên bang bằng cách trao cho chúng “tính hợp hiến”.
Việc giải thích tính “hợp hiến” của các đạo luật liên bang vẫn được coi là có giá trị bắt buộc bởi các Tòa án và các luật sư…
Cũng theo quan điểm của ông William Burnham, không có hệ thống TTHS hiện đại nào hoàn toàn là tranh tụng hay hoàn toàn là thẩm vấn mà đúng hơn là các hệ thống nằm đâu đó ở khoảng giữa hai mô hình thuần túy này.
Liên bang Nga là một ví dụ điển hình cho nhận xét đó, Điều 123 (3) của Hiến pháp LB Nga khẳng định “các thủ tục tố tụng sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tranh tụng và công bằng giữa các bên”. Điều 15 BLTTHS 2001 nêu ra các nguyên tắc áp dụng đối với các vụ án hình sự. “Các nguyên tắc tranh tụng” và “các quyền bình đẳng của các bên” là các khái niệm có những giải thích và định nghĩa theo hệ thống châu Âu lục địa, đa dạng hóa đáng kể, đưa nước Nga tiến đến gần hơn với mô hình tố tụng tranh tụng kiểu Anh - Mỹ.
Sự thay đổi này trở nên rõ ràng khi so sánh những giải thích cũ và mới về các chức năng của Tòa án, Cơ quan điều tra và Công tố. Tòa án không phải là một cơ quan công tố hình sự và sẽ không làm chức năng công tố hoặc gỡ tội trong một vụ án.
Tòa án sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết cho các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng và các quyền được trao cho họ. Thậm chí, trước khi Bộ luật mới được thông qua, Tòa án Hiến pháp, dựa trên Hiến pháp đã quyết định rằng một Tòa án “có thể không tự thực hiện các chức năng tố tụng đặc biệt của các bên”.
Điều này giải thích các nguyên tắc tranh tụng theo hướng tách biệt nghiêm ngặt giữa chức năng của tòa án trong việc giải quyết vụ án với chức năng công tố và gỡ tội.
Quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự tại Liên bang Nga thể hiện thông qua quy định luật sư phải có mặt, trừ khi bị từ chối. Nếu lời khai của một nghi can hay một bị can, giống như lời khai của một nhân chứng được gọi là một dạng chứng cứ, thì các nghi can hay bị can không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu đưa ra nội dung lời khai gian dối để làm chứng cứ.
Trước khi buổi thẩm vấn bắt đầu, điều tra viên có nghĩa vụ giải thích một số quyền bao gồm quyền “không đưa ra bất kỳ giải thích hay nội dung khai báo nào liên quan đến một cáo buộc hay nghi ngờ”. Có thể nói một trong các quyền quan trọng nhất của một nghi can hay của một bị can là quyền có luật sư.
Luật sư không chỉ đưa ra định hướng hay tư vấn pháp lý mà còn là người đại diện chuyên nghiệp của nghi can hay bị can, làm giảm đi sự mất cân bằng về vị trí tố tụng, đồng thời khuyến khích họ sử dụng các quyền của mình.
Khu siêu thị cao cấp GUM đối diện Điện Kremlin. Ảnh: Hoài Phan.
Trong quá trình điều tra, nhìn chung luật sư không được phép tham gia điều tra, ngoại trừ các hoạt động có sự tham dự của bị can (ví dụ thực nghiệm hiện trường) hoặc có yêu cầu của bị can (ví dụ thẩm vấn một nhân chứng gỡ tội). Trừ khi luật sư bào chữa có thể thuyết phục được điều tra viên (hay Thẩm phán trong trường hợp sự từ chối bị kháng cáo) cho phép mình tham dự buổi thẩm vấn một nhân chứng, thường thì chỉ duy nhất một điều tra viên hình sự sẽ có mặt trong buổi hỏi cung.
Luật sư bào chữa có thể có mặt khi bị can đưa ra lời khai trước điều tra viên, có cơ hội tiếp cận nội dung hồ sơ vụ án và có “ý kiến bằng văn bản đối với độ chính xác và đầy đủ nội dung của một biên bản chính thức thể hiện một hoạt động điều tra cụ thể.”
Tuy nhiên, rất khó cho một luật sư khi đánh giá và đặt câu hỏi về “độ chính xác và đầy đủ” trong một biên bản lời khai nhân chứng một khi luật sư không tham dự nghe nhân chứng trình bày trong quá trình thẩm vấn. Đối với các biên bản hoạt động tố tụng khác cũng có vấn đề tương tự như vậy.
Khải Hoàn Môn nằm cạnh Quảng trường Chiến thắng ở Moskva. Ảnh: Hoài Phan.
Các luật sư có thể đề nghị điều tra viên, hoặc người giám định cung cấp những nội dung ghi chép của họ trong quá trình lập các tài liệu đó. Mặc dù vậy, đề nghị này thường bị từ chối với lý do là các tài liệu điều tra chưa được coi là chứng cứ. Việc tiếp cận không đầy đủ hồ sơ tài liệu của người giám định làm căn cứ kết luận tạo ra rất nhiều khó khăn để đánh giá kết luận đó có đúng đắn không.
Trong khi Bộ luật đòi hỏi người giám định phải trình bày trong bản kết luận của mình, nhưng thực tế chỉ những nội dung và kết luận giám định rõ ràng mới được cung cấp. Tuy nhiên, hiện nay Công tố viên có nhiều khả năng hơn trong việc triệu tập người giám định tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng (mặc dù họ không bị đòi hỏi phải làm như vậy).
Điều này tạo cho phía luật sư nhiều cơ hội để chứng minh các lập luận phía sau các kết luận giám định. Điều này, về cơ bản cũng tương tự như trong quá trình tham gia tố tụng của luật sư ở Việt Nam, thường gặp nhiều cản ngại, khó khăn…
Các thành viên Đoàn công tác tham quan Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU)- nơi đào tạo rất nhiều chuyên gia pháp luật hàng đầu ở Việt Nam.
Bộ luật TTHS Liên bang Nga năm 2001 đã luật hóa phán quyết của Tòa án Hiến pháp bằng việc quy định quyền có luật sư bào chữa bắt đầu khi một người bị bắt trên thực tế hoặc “kể từ thời điểm bất kỳ một biện pháp tố tụng ngăn chặn hay hoạt động tố tụng nào được áp dụng đối với các quyền và sự tự do của người bị nghi ngời thực hiện một tội phạm”.
Quy định này chỉ rõ “thời điểm bắt giữ thực tế” là thời điểm người bị bắt bị tước đoạt quyền tự do đi lại trên thực tế”. Bộ luật này cũng đưa ra các định nghĩa thế nào là quyền tiếp cận luật sư trong giai đoạn ngay trước khi buổi thẩm vấn đầu tiên được tiến hành bởi điều tra viên.
Các định nghĩa nêu rõ một nghi can “có quyền có một buổi gặp riêng với luật sư” và một bị can (người đã bị cáo buộc về một tội phạm) có quyền “gặp riêng luật sư không giới hạn về số lần và thời gian gặp mặt”. Điều 92 (4) quy định mỗi lần nghi can được gặp luật sư trong thời gian có thể hơn 02 giờ, thậm chí trong trường hợp nghi can cần thiết tham dự một hoạt động điều tra.
Luật sư Phan Trung Hoài
Kỳ III: Nghề luật sư ở Saint Petersburg cổ kính…