LSVNO - Để trở thành luật sư Liên bang Nga, phải trải qua quá trình đào tạo nghề luật sư và kỳ thi quốc gia nghiêm ngặt. Sau khi đã trở thành luật sư chính thức, mỗi luật sư đều phải đọc lời tuyên thệ trang trọng tại trụ sở cơ quan tư pháp, thề tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích, bí mật của khách hàng…
Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) lên chuyến tàu tốc hành mang số hiệu 766 với 20 toa tàu khởi hành từ Nhà ga Leningrad vào lúc 13 giờ 30 ngày 31/7/2019 để đi Saint Petersburg trong tiết trời nắng nhẹ. Do khách đi tàu rất đông, đa phần đã đăng ký trước, trái với dự kiến ban đầu, ghế ngồi của các thành viên trong Đoàn không ngồi cùng một toa, chuyến đi kéo dài hơn 4 giờ với tốc độ trung bình 200 km/giờ…
Buổi sáng thanh bình ở Cung điện Mùa hè. Ảnh: Hoài Phan.
Saint Petersburg cách Moscow khoảng 800 km là thành phố lớn thứ nhì ở Nga và cũng là cố đô của Đế chế Nga, nằm trên một loạt đảo nhỏ trong châu Thổ sông Neva, con sông này thông với Vịnh Phần Lan, tạo vị thế hải cảng cho Saint Petersburg, với diện tích trên 670 km và trên 5 triệu người dân.
Theo Wikipedia, trải qua nhiều thế kỷ, địa danh Saint Petersburg đã đổi tên nhiều lần. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914 và Nga bị Đế quốc Đức xâm lược thì thành phố đổi tên là Petrograd để tránh nguyên danh gốc tiếng Đức. Mười năm sau thì chính quyền Liên Xô loại bỏ tên Petrograd mà đặt là Leningrad để tưởng niệm Vladimir Ilyich Lenin.
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, địa danh ban đầu Saint Petersburg được sử dụng trở lại sau cuộc trưng cầu dân ý, tuy nhiên, các khu vực xung quanh thành phố (tỉnh Leningrad) thì vẫn giữ nguyên tên gọi.
Đài phun nước Vườn Hạ uyển dọc kênh nối ra biển Bantic. Ảnh: Hoài Phan.
Saint Petersburg là trung tâm thương mại, tài chính và công nghiệp của Nga, đặc biệt là thương mại dầu khí, cơ sở đóng tàu, công nghệ vũ trụ, radio và điện tử, phần mềm và máy tính; chế tạo máy, máy móc hạng nặng và giao thông, bao gồm xe tăng và khí tài quân sự, khai thác mỏ, chế tạo thiết bị, luyện kim (sản xuất các hợp kim nhôm), hóa chất, dược phẩm, trang thiết bị y tế, in ấn và xuất bản, thực phẩm, dệt và may mặc, và nhiều ngành thương mại khác. Saint Petersburg có 3 cảng hàng hóa lớn vùng Baltic: Cảng Bolshoi-Saint-Petersburg, Kronstadt, và Lomonosov…
Toàn cảnh mặt phía nam Nhà thờ chính Tòa Thánh Isaac - một trong 4 Nhà thờ lớn nhất trên thế giới, vào chiều 01/8/2019. Ảnh: Hoài Phan.
Có lẽ, với đặc điểm là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của Liên bang Nga, khi tiếp Đoàn công tác LĐLSVN, Luật sư Mamyshev Aleksandr là thành viên Ủy ban hợp tác quốc tế Đoàn luật sư Saint Petersburg tự hào giới thiệu thành phố này là chiếc nôi của nghề luật sư ở Liên bang Nga. Alexander II Nikolaevich (còn gọi là Aleksandr Đệ Nhị) là một trong những vị Sa hoàng cuối cùng của đế chế Nga, trị vì từ năm 1855 đến khi ông bị ám sát vào năm 1881.
Người ta vẫn gọi ông là "Aleksandr - vị Nga hoàng giải phóng" là do ông đã giải phóng 20 triệu người nông nô Nga vào năm 1861, nhưng triều đại ông đã kết thúc một cách bi kịch. Tuy nhiên, ngoài những cải cách đặc biệt về kinh tế, Nga hoàng Aleksandr II còn thực hiện những cải cách về quân đội và pháp luật.
Vào năm 1864, triều đình ban bố đạo luật cải tổ luật pháp, theo đó hệ thống tư pháp Nga về nhiều mặt quan trọng, có thể so sánh được với hệ thống tư pháp các nước phương Tây.
Các luật sư đại diện Ủy ban Hợp tác quốc tế Đoàn luật sư Saint Petrsburg trong buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác LĐLSVN, sáng ngày 02/8/2019.
Vì thế, nói một cách không khoa trương, nghề luật sư ở Nga khởi nguồn từ thời điểm ban hành đạo luật cải tổ luật pháp nói trên tại Saint Petersburg, với nhiều thăng trầm trải qua các giai đoạn lịch sử cho đến hiện nay.
Vào năm 2003, sau khi Nga trở thành Nhà nước Liên bang, Tổng thống Vladiamir Vladimirovich Putin đã ký ban hành Luật Luật sư và hành nghề luật sư, tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển của nghề luật sư tại Liên bang Nga nói chung và Saint Petersburg nói riêng. Nếu như dân số toàn Liên bang Nga thời điểm hiện nay khoảng 146 triệu người với gần 70.000 luật sư thì dân số ở Saint Petersburg khoảng 5 triệu người với khoảng 4.500 luật sư.
Theo Luật sư Mamyshev Aleksandr và trình bày bổ sung của nữ luật sư Nadejhdr Lopatenkova - Phó Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác quốc tế cho chúng tôi biết, để trở thành luật sư Liên bang Nga, phải trải qua quá trình đào tạo nghề luật sư và kỳ thi quốc gia nghiêm ngặt. Sau khi đã trở thành luật sư chính thức, mỗi luật sư đều phải đọc lời tuyên thệ trang trọng tại trụ sở cơ quan tư pháp, thề tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích, bí mật của khách hàng…
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ ở Saitn Petersburg rất được coi trọng, thậm chí với luật sư đã có 20 năm hành nghề, thời lượng bồi dưỡng là 20 giờ một năm, dưới 5 năm hành nghề, thời lượng bồi dưỡng lên tới 30 giờ một năm.
Các luật sư Saint Petersburg cùng các thành viên Đoàn công tác trao đổi về những thách thức trong hoạt động nghề nghiệp và mở ra cơ hội hợp tác giữa các tổ chức luật sư hai nước.
Liên đoàn Luật sư Liên bang Nga đại diện cho 70.000 luật sư trong các chủ thể thuộc Liên bang Nga, với cơ quan cao nhất là Hội đồng Luật sư Liên bang. Nhiệm kỳ của Chủ tịch LĐLS Liên bang Nga cùng các thành viên Lãnh đạo là 2 năm và không đảm nhiệm tối đa quá 2 nhiệm kỳ.
Hiện nay, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Saint Petersburg là Phó Chủ tịch LĐLS Liên bang Nga. Điểm đáng lưu ý, tổ chức luật sư và các cơ quan Chính phủ Liên bang, cũng như Saint Petersburg có mối quan hệ mật thiết, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Liên bang Nga, nhưng tổ chức luật sư hoạt động mang tính độc lập cao.
Tuy nhiên, cũng tương tự như ở Việt Nam, trong quá trình hành nghề, luật sư ở Liên bang Nga và ở Sanit Petersburg cũng gặp một số trở ngại, thậm chí bị đe dọa, nên trong cấu trúc tổ chức, Đoàn luật sư Saint Oetersburg đã thành lập Ủy ban bảo vệ quyền hành nghề của luật sư (tương tự như ở LĐLSVN).
Tuy là nước có nghề luật phát triển, nhưng vẫn còn hiện tượng luật sư vi phạm pháp luật và đạo đức ứng xử nghề nghiệp, mỗi năm trung bình khoảng 100 luật sư bị xử lý kỷ luật, trong đó, xóa tên từ 20 - 30 luật sư.
Ngoài ra, về thể chế quản lý, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức hành nghề không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, mà Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý và thực đăng ký việc hành nghề luật sư…
Luật sư Mamyshev Aleksandr chia sẻ rất chân thành với Đoàn công tác về những thách thức và vướng mắc mà nghề luật sư ở Saint Petersburg đang đối diện và gặp phải. Trước hết, đó là vấn đề đặc quyền trong hành nghề của luật sư với các chủ thể khác tham gia thị trường dịch vụ pháp lý.
Có thể nói, nghề luật sư ở Liên bang Nga đang rất phát triển, dòi hỏi chất lượng đại diện ở Tòa án ngày càng phải được nâng cao hơn. Tuy nhiên, hiện còn nảy sinh vấn đề là tại các phiên tòa, ngoại trừ phiên tòa hình sự, tất cả đều có đại diện theo ủy quyền mà phần lớn họ không phải là luật sư, chỉ là những người hành nghề luật.
Do đó, chất lượng và kỹ năng hoạt động của những người đại diện này không chuyên nghiệp, lại không bị ràng buộc theo các nghĩa vụ, trách nhiệm nghiêm ngặt như luật sư, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, Chính phủ Liên bang Nga rất quan tâm đến thực tế này, hướng đến việc đòi hỏi việc tham gia tố tụng với tư cách đại diện pháp lý cho khách hàng phải là những người có tư cách là luật sư, đồng thời đòi hỏi cao hơn về trình độ của người đại diện nếu không phải là luật sư (ví dụ, phải có bằng cao học luật).
Ngoài ra, vấn đề tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân cũng đang đặt ra vấn đề khó khăn là trang trải chi phí này như thế nào cho luật sư, trong khi chi phí pháp lý hiện nay ở Saint Petersburg được coi là khá đắt đỏ…
Đoàn luật sư Saint Petersburg cùng với Đoàn luật sư Moscow là hai tổ chức nghề nghiệp luật sư lớn nhất Liên bang Nga, đã mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với nhiều tổ chức luật sư trên thế giới, nhất là với một số nước trong EU mới ký Thỏa thuận hợp tác như Cộng hòa Pháp, Italia.
Luật sư Mamyshev Aleksandr đánh giá, cùng với tiềm năng hợp tác và phát triển kinh tế với các nước châu Á, Đoàn luật sư Saint Petersburg chú trọng hướng mở rộng hợp tác với LĐLSVN. Ông cũng cho biết đã từng sang Việt Nam, dành nhiều thiện cảm với sự thân thiện của người dân, cũng như khí hậu, phong cảnh tuyệt vời của Việt Nam.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Trưởng Đoàn công tác LĐLSVN đã bày tỏ lời cảm ơn trước sự thịnh tình đón tiếp niềm nở của đại diện Ủy ban hợp tác quốc tế Đoàn luật sư Saitn Petersburg, cũng như ghi nhận về ý kiến phát biểu, thông tin chia sẻ từ phía các luật sư đồng nghiệp Saint Petersburg.
Luật sư Phan Trung Hoài thay mặt Đoàn công tác nêu ngắn gọn về lịch sử và bước phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam, đặc biệt kể từ sau năm 2009 thành lập LĐLSVN, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng, cố gắng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của các chủ thể xã hội.
Với hơn 13.500 luật sư chính thức, có thể nói hiện nay, chính sách của Đảng và Nhà nước, môi trường pháp lý thực định đã và đang khẳng định, nâng cao vị thế và điều kiện hành nghề của đội ngũ luật sư Việt Nam.
Luật sư TS Đỗ Ngọc Thịnh- Chủ tịch LĐLSVN, Trưởng Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho đại diện Đoàn Luật sư Saint Petersburg.
Tuy nhiên, cũng tương tự như ở Saitn Petersburg, hoạt động luật sư ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội, trong đó có những vướng mắc trong vấn đề đặc quyền cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư gây nhiều tranh cãi.
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ủng hộ quan điểm, đề xuất của LĐLSVN, Đoàn luật sư TP. HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cấp giấy phép ngành nghề dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp không phải là tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư.
Mặt khác, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bản thân khách hàng đòi hỏi chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng cao, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của LĐLSVN là nâng cao nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề cho các luật sư.
Tại buổi trao đổi, Luật sư Đỗ Ngọc Quang rất quan tâm đến hình thức và nội dung tuyên thệ của luật sư ở Saint Petersburg sau khi đăng ký hành nghề chính thức và kinh nghiệm này có thể tham khảo để đưa vào Điều lệ LĐLSVN (sửa đổi).
Các thành viên Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với đại diện Đoàn luật sư Saint Petersburg.
Thay mặt Đoàn công tác, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh gửi lời thăm đến ông Chủ nhiệm Đoàn luật sư Saint Petersburg, trân trọng mời ông và các thành viên trong Ban Chủ nhiệm, Ủy ban hợp tác quốc tế sang thăm và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động luật sư giữa hai quốc gia và các thành phố lớn của Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác LĐLSVN có kế hoạch đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm với một trong những Công ty hành nghề luật lớn nhất ở Saint Petersburg…
Luật sư Phan Trung Hoài
Kỳ IV: Ấn tượng về quy mô, tính chuyên nghiệp và quản trị của Công ty TNHH hành nghề luật Capital Legal Services.