/ Bút ký Luật sư
/ Ký sự một chuyến đi (Kỳ cuối): Dư âm còn đọng lại

Ký sự một chuyến đi (Kỳ cuối): Dư âm còn đọng lại

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Đoàn luật sư (ĐLS) Tokyo có số lượng luật sư lớn nhất Nhật Bản - với hơn 8.400 luật sư trên tổng số hơn 41.000 luật sư hiện đang hành nghề tại Nhật Bản. Theo đó, trụ sở của ĐLS Tokyo nằm t...

LSVNO - Đoàn luật sư (ĐLS) Tokyo có số lượng luật sư lớn nhất Nhật Bản - với hơn 8.400 luật sư trên tổng số hơn 41.000 luật sư hiện đang hành nghề tại Nhật Bản. Theo đó, trụ sở của ĐLS Tokyo nằm tại tầng 6 cùng tòa nhà với Nichibenren.

Trước khi bắt đầu phiên làm việc, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã đến chào xã giao Chủ tịch ĐLS Tokyo – ông Norio Yasui. Cùng tiếp có Phó Chủ tịch và các luật sư của Ủy ban giao lưu quốc tế của ĐLS Tokyo.

 TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch LĐLSVN trao quà lưu niệm cho ĐLS Tokyo.

Trong phần lớn thời gian của buổi sáng, Đoàn tham gia thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Quy định cơ bản về công việc của luật sư Nhật Bản (là văn bản tương tự như Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam), gồm 3 chương 82 điều. Thuyết trình là Luật sư Masato Tani, người cũng đã tham gia vào quá trình xây dựng quy định này và chủ biên soạn cuốn sách giải thích bản Quy định cơ bản về công việc của luật sư.

Trước đây, tên gọi văn bản này cũng có cụm từ “đạo đức”. Tuy nhiên, sau đó Nichibenren đã thay thế cụm từ “đạo đức” bằng “công việc” và giải thích lý do là làm căn cứ bắt buộc để xử lý kỷ luật. Nội dung mà các bạn chia sẻ bao gồm về các quy định bảo mật thông tin, tránh xung đột lợi ích, phương pháp tính thù lao, mối quan hệ với đồng nghiệp… và cả về kỹ thuật xây dựng văn bản. Trong quá trình trao đổi, Luật sư Masato Tani cũng có những nhận xét về Dự thảo 3 của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Chia sẻ với các luật sư đồng nghiệp Nhật Bản, Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam, cũng là người chấp bút viết Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã rất ấn tượng với cách xây dựng bản Quy định cơ bản về công việc của luật sư và cuốn sách giải thích, hướng dẫn bản Quy định của các đồng nghiệp Nhật Bản.

Ở Việt Nam, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp hiện hành đã qua 6 Dự thảo và 7 lần hội thảo để đóng góp xây dựng nên. Về mặt cấu trúc, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Việt Nam cũng gồm hai loại: quy phạm ngăn cấm và quy phạm tùy nghi. Để xử lý các hành vi vi phạm Điều lệ và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, LĐLSVN còn có quy định về xử lý kỷ luật luật sư. Sau hơn 7 năm thực hiện, thực tế đã phát sinh những vấn đề phải sửa đổi, bổ sung nên LĐLSVN chính thức bắt tay Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Đối chiếu với bộ quy tắc của Nichibenren, mặc dù trong tên quy tắc bỏ cụm từ đạo đức nhưng nội dung bản quy định cơ bản về công việc luật sư Nhật Bản vẫn chính là những quy định về đạo đức ứng xử của luật sư trong quá trình hành nghề.

Một trong những nội dung mà Việt Nam có thể tham khảo là cách xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn Quy định cơ bản về công việc của luật sư Nhật Bản dưới hình thức một cuốn sách rất cơ bản, chi tiết. Luật sư Tâm cho rằng, đó là một “công trình hết sức đồ sộ”. LĐLSVN sẽ học tập các bạn Nhật Bản kinh nghiệm về cuốn sách giải thích này.

Theo chia sẻ của các luật sư Nhật Bản, khi tiến hành kỷ luật luật sư, văn bản giải thích của Nichibenren không có hiệu lực bắt buộc, tuy nhiên vẫn có khả năng được viện dẫn khi áp dụng vì trong đó cũng có các nội dung mang tính “án lệ” trong xử lý kỷ luật luật sư. Căn cứ pháp lý để tiến hành kỷ luật vẫn là Luật Luật sư. Trong Luật Luật sư có quy định hành vi vi phạm Luật Luật sư là vi phạm quy tắc cơ bản về công việc luật sư nên đó có thể coi cuốn sách giải thích là căn cứ gián tiếp trong xử lý kỷ luật luật sư. 

Kết thúc buổi làm việc buổi sáng, TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch LĐLSVN đã phát biểu cám ơn phần chia sẻ của các đồng nghiệp Nhật Bản và rất mong muốn sự hợp tác của Nichibenren và JICA để LĐLSVN có thể xây dựng được Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp (sửa đổi, bổ sung) và văn bản giải thích.

Trong thời gian còn lại trong chương trình công tác, đoàn đã cùng với các bạn luật sư Nhật Bản trao đổi, thảo luận về “Phương pháp phân tích vấn đề” bao gồm: phát hiện vấn đề, nguyên nhân, điều kiện và tìm giải pháp. Bản thân cách làm việc của các luật sư Nhật Bản cùng sự tư duy mang tính cụ thể là một trong những phương pháp mà chúng tôi lĩnh hội được. Cùng dẫn dắt thảo luận là các bạn luật sư Nhật Bản (bao gồm cả luật sư là chuyên gia của dự án JICA đã từng làm việc tại Campuchia, Mông Cổ và Việt Nam). 

Với hai nhóm thảo luận, các luật sư Việt Nam đã tập trung thảo luận chủ đề “Tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân và xã hội đối với đội ngũ luật sư Việt Nam”, đi tìm những nguyên nhân cụ thể của thực trạng hiện nay ở Việt Nam, xã hội và người dân vẫn chưa tin tưởng vững chắc vào hoạt động cung ứng các dịch vụ của luật sư. Các nhóm thảo luận rất sôi nổi và đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau, mang tính khách quan, chủ quan và về cơ bản đều thống nhất với nhau với 3 nhóm vấn đề cơ bản cần phải giải quyết để từ đó tìm ra giải pháp tương ứng:

- Nhóm vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách và khung pháp lý và quá trình thực thi từ phía Nhà nước và các tổ chức cơ quan Nhà nước;

- Nhóm vấn đề liên quan bản thân giới luật sư (cá nhân từng luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư (LĐLSVN, ĐLS, tổ chức hành nghề);

- Nhóm vấn đề liên quan đến xã hội và người dân. 

Để tìm kiếm câu trả lời cho hiện trạng cụ thể của từng vấn đề trên, về cơ bản mỗi thành viên đoàn công tác đều thống nhất với nhau ở một điểm chung liên quan đến năng lực của đội ngũ luật sư (thuộc nhóm thứ 2) là vấn đề quan trọng trước mắt cần có giải pháp khắc phục. Trong đó, vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp luật sư là một nội dung quan trọng cấu thành nên năng lực luật sư được ưu tiên.  

Về phía LĐLSVN là tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư Việt Nam cần có chương trình hành động cụ thể (dài hạn, trung hạn và ngắn hạn) nhằm hướng tới mục tiêu để luật sư Việt Nam có thể đạt được sự tin tưởng vững chắc từ phía xã hội và người dân. Nhằm mục tiêu nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực cho luật sư trong gian đoạn tới, LĐLSVN cần lựa chọn giải quyết các nhiệm vụ:

- Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng;

- Đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề xây dựng pháp luật và chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động  hành nghề của luật sư;

- Phối hợp cùng JICA tổ chức các cuộc hội thảo chuyên sâu để các luật sư có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về từng chủ đề cụ thể;

- Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng luật sư. Xây dựng chương trình đào tạo, đội ngũ báo cáo viên, học liệu cụ thể về từng chủ đề;

- Tăng cường hoạt động truyền thông;

- Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi luật sư;

- Nghiêm túc, công bằng xử lý kỷ luật các luật sư có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp luật sư.

Đoàn công tác LĐLSVN chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo JICA.

Giải pháp cụ thể nhất mà các luật sư tập trung thảo luận là phương pháp, cách thức tổ chức đào tạo nhằm nâng cao năng lực luật sư như xác định chủ đề đào tạo vừa linh hoạt, vừa cụ thể… nhằm đạt hiệu quả cao. Các luật sư thành viên đoàn công tác đến từ đoàn luật sư địa phương đã chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm cách tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực luật sư (trong đó có đạo đức nghề nghiệp) về chủ đề (hợp đồng dịch vụ pháp lý...), về giảng viên (đào tạo giảng viên nguồn tại địa phương…), về cách thức huy động nguồn lực tài chính để thực hiện (LĐLSVN hỗ trợ, đoàn luật sư và cá nhân các luật sư cùng đóng góp).  

Các bạn luật sư Nhật Bản cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng luật sư tại Nhật Bản. Theo đó, các đoàn luật sư địa phương ở Nhật Bản khi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cũng sử dụng giảng viên chính là luật sư thuộc đoàn đó và kinh phí do Nichibenren hỗ trợ. Ban chủ nhiệm đoàn luật sư tổ chức tập hợp luật sư tại đoàn mình để học tập bồi dưỡng. Cơ chế này cũng giống như ở Việt Nam. Một hình thức khác ở Nhật Bản cũng phổ biến là đào tạo, bồi dưỡng qua mạng Internet (E-Learning) hoặc qua tổ chức liên đoàn luật sư (kết hợp các đoàn luật sư  địa phương gần nhau). Ở Nhật Bản chia thành 8 liên hội các đoàn luật sư (tương đương với 8 vùng).   

Cuối buổi chiều ngày làm việc sau cùng, Đoàn công tác đã đến chào lãnh đạo tổ chức JICA. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề có liên quan đến quan hệ hỗ trợ của JICA đối với LĐLSVN trong tương lai. Buổi làm việc đã diễn ra trong không khí chân tình, hiểu biết và tin cậy, hứa hẹn mối quan hệ tốt đẹp sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai.

 Trang Minh