/ Tin tức
/ Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh, Đại tá Bùi Sáu

Ký ức ngày 30/4 lịch sử trong tâm trí cựu chiến binh, Đại tá Bùi Sáu

30/08/2023 16:44 |

(LSVN) - Đã 48 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày 30/4/1975 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Bùi Sáu (SN 1944) ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), nguyên phó Chính ủy, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

18 tuổi, cũng như bao lớp thanh niên khác, khi có lệnh tổng động viên, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Bùi Sáu đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ.

Ông Bùi Sáu cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm cùng phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm 2010.

"Khí thế kháng chiến lúc đó sôi động và quyết liệt lắm. Là người Việt Nam, ai nấy đều mong ước được đóng góp sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”, ông Sáu bồi hồi. Chính lòng yêu Tổ quốc và niềm tin về ngày đại thắng đã khiến chàng trai trẻ gấp rút sau thời gian hoàn thành huấn luyện cấp tốc. Tháng 9/1965, ông lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Ông Sáu ngậm ngùi nhớ lại, giai đoạn 1965 - 1973, ông thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường B5, Bình Trị Thiên. Với ông Sáu, những trận đánh vào Tết Mậu Thân 1968 hay những ngày đêm chiến đấu ác liệt với quân địch để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị khiến ông không bao giờ quên.

“Đó là những chiến dịch ác liệt nhất, quá nhiều mất mát và hy sinh không thể nào kể hết. Những người đồng đội mới hôm qua còn chia nhau nắm cơm, sẻ nhau hạt muối, mới phút trước còn động viên nhau vững tâm chờ đến ngày toàn thắng, thế nhưng họ đã lần lượt ngã xuống dưới làn bom đạn kẻ thù. Đồng đội ngã xuống, mình và các anh em khác phải tự tay chôn cất, ai cũng nén nỗi đau, mất mát, quyết tâm chiến đấu, tiếp tục cầm súng để bước vào trận chiến vì mục tiêu lớn của cả dân tộc, đó là hòa bình và thống nhất…".

Ông Bùi Sáu cùng vợ thường xuyên ôn lại những kỉ niệm.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Đại tá Bùi Sáu nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, với nhiệm vụ Phó Chính uỷ tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu với ngụy quân, ngụy quyền hết sức khốc liệt với nhiệm vụ mới đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Ba Son.

Tháng 4/1975, đơn vị của ông Sáu chuẩn bị tiến đánh giải phóng thị xã Xuân Lộc – cánh cửa thép của Sài Gòn. Trước đó, các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam từ Thừa Thiên Huế đến Buôn Mê Thuột rất ào ạt, quân ta thừa thắng, giải phóng từ tỉnh này sang tỉnh khác.

“Sau khi triển khai nhiệm vụ cho đơn vị chúng tôi đánh thọc sâu vào thị xã Hàm Tân, địch chống trả yếu ớt. Chỉ sau 2 giờ nổ súng, quân ta đã làm chủ thị xã. Một ngày sau các đơn vị của Trung đoàn củng cố lực lượng, đêm đến bắt đầu hành quân, tới đồn điền cao su ông Quế (thị xã Long Khánh) vào sáng 23/4. Tại đây, Trung đoàn 66 tiếp tục nhận nhiệm vụ thọc sâu tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa vào nội đô Sài Gòn. Trước mắt, Trung đoàn phải phối hợp đánh địch tại căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai). Trận chiến diễn ra ác liệt, các đợt tiến công của ta bị đẩy bật trở ra, thương vong khá lớn. Sư đoàn đã lệnh cho xe tăng dùng pháo bắn thẳng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt bên trong mục tiêu; hỏa lực pháo binh bắn trùm trận địa địch, làm giảm khả năng quan sát của chúng, tạo thuận lợi cho bộ binh ta tràn vào tấn công. Đến sáng 29/4, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu đi đến cầu sông Buông thì bị địch phá cầu, án ngữ. Vừa đánh địch vừa sửa cầu, sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào Sài Gòn…”, ông Sáu nhớ lại.

Ông Bùi Sáu trong một lần được mời tham dự Chương trình của đài Truyền hình Thanh Hoá (ảnh cắt từ clip của Chương trình).

Những kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân những ngày chiến đấu ác liệt ông Sáu luôn nhớ mãi. Ông kể: "Trong những ngày chiến đấu gian khổ, có bà má người địa phương ngày ngày mang cơm, khoai sắn và những gì gia đình má có tới để tiếp thêm cho bộ đội. Má nhìn nét chữ trên cuốn sổ của một chiến sỹ trong đại đội tôi mà mắt rưng rưng, cầm tay anh và khóc. Má nói má cũng có một người con đã đi bộ đội và hy sinh, má thương chúng tôi từ những điều giản dị: 'Chữ các con đẹp quá, học giỏi thế này mà phải từ Bắc vào tận đây đánh giặc cứu nước".

Ông cũng nhớ mãi hình ảnh một người đồng đội một bên tay và chân bị trúng đạn gần như đứt lìa, phải đưa về tuyến sau điều trị. Nhưng trước khi đi anh vẫn cố gượng dậy để động viên anh em ở lại chiến đấu, bằng mọi giá phải phải chiến thắng. Người chiến sỹ ấy đã mất ngay trong đêm khi trên đường đưa tới lán quân y.

Theo lời kể của ông Sáu, hơn 10 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt tại cổng Dinh Độc Lập, ông cùng đồng đội phối hợp cùng các đơn vị bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch. Hình ảnh xe tăng của quân đội ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập - thành lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh; hình ảnh người dân vẫy cờ chào đón đoàn quân chiến thắng thành hàng dài, tất cả quân và dân đều vỡ òa trong niềm vui thống nhất, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên, chứng kiến khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi không thể nào quên. Ai cũng rưng rưng nước mắt trong niềm vui, hạnh phúc. Tôi may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh là được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài, hy sinh biết bao xương máu, sức người, sức của của cả nước và qua đó cũng thấy được quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta. Chấm dứt 30 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, non sông thu về một mối…”.

Khoảnh khắc lịch sử khi quân ta đã tiến được vào Dinh Độc lập, mọi người vô cùng phấn khởi, hò reo. Lúc này người qua lại đông như mắc cửi, quân ta từ phía Đông Bắc tiếp tục hành quân vào, dân tị nạn từ hướng Sài Gòn chạy ra…

Song tất cả không làm lu mờ được không khí hân hoan của chiến sỹ, đồng bào, người dân đi kiếm lá cờ đỏ sao vàng hoặc tất cả những mảnh vải, tấm giấy có màu đỏ buộc lên xe, cầm trên tay chạy ra đường mừng chiến thắng.

Trên gương mặt mọi người, ai ai cũng một nụ cười hạnh phúc rạng rỡ, nhiều người xa lạ vẫn tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau như đã quen thân cùng chung niềm vui giải phóng.

Dù bên gia đình an hưởng tuổi già nhưng ông vẫn mải mê với công việc của mình.

Gần 50 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của người lính già vẫn không giấu được vẻ xúc động. Xuất ngũ với hàm Đại tá ông trở về với cuộc sống thường ngày, mang theo ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội.

Với những đóng góp của mình, ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất.

Đại thắng mùa Xuân 1975 và trận đánh ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức của ông và đồng đội, như một minh chứng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội và nhân dân Việt Nam.

TẠ TUẤN

Phan Đình Bình