Lái xe kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề: Gây tốn kém, phiền hà?

31/10/2020 17:04 | 3 năm trước

(LSVN) - Thay vì chỉ cần có Giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2 trở lên sẽ được lái xe kinh doanh vận tải. Tới đây, nếu muốn hành nghề này lái xe phải học chuyên sâu và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải để phân biệt với lái xe không kinh doanh vận tải.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó, có đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải bổ sung chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Cụ thể, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ này phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.

Dự thảo Luật mới cho phép học tất cả các hạng lái xe, khi nào người học muốn lái xe kinh doanh vận tải sẽ được học chương trình riêng và được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải chỉ tước chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải mà không ảnh hưởng đến GPLX và vẫn được lái xe cá nhân.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện, nhất là điều kiện về phương tiện và người lái nên sẽ phải có giấy phép hành nghề. Quy định hiện nay đối với lái xe kinh doanh vận tải là chỉ cần bằng lái từ hạng B2 trở lên và được tập huấn vận tải. Thực tế đã bộc lộ lỗ hổng là mới chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp mà chưa có giấy phép hành nghề cho lái xe. Để lấp lỗ hổng đó, cần tăng cường quản lý bằng việc cấp giấy phép hành nghề để phân biệt rõ lái xe cá nhân và lái xe kinh doanh vận tải. Điều kiện về bằng lái chỉ là yếu tố kỹ thuật, khi có chứng chỉ sẽ bỏ được khâu tập huấn cho lái xe về nghiệp vụ kinh doanh vận tải như hiện nay. Đơn vị cấp giấy phép kinh doanh vận tải sẽ cấp chứng chỉ hành nghề của lái xe.

Quy định mới sẽ phân biệt rõ khi lái xe vi phạm bị tước giấy phép kinh doanh vận tải sẽ vẫn được lái xe cá nhân bình thường. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải sẽ được quy định trên tinh thần không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân.

Sau khi Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải được đưa vào Dự thảo Luật GTĐB rất nhiều quan điểm được đưa ra không đồng tình với đề xuất này. Nhiều người lo ngại Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải sẽ làm tăng thủ tục xin - cho không cần thiết.

Trao đổi với anh Nguyễn Tuấn Anh, một lái xe taxi tại Hà Nội, anh Anh cho rằng quy định này không hợp lý, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho giới lái xe. Theo anh Anh, hiện nay việc tuyển dụng lái xe kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả việc tìm được một người có giấy phép lái xe đủ điều kiện hoạt động đã là một vấn đề khó khăn. Chính vì vậy, nếu yêu cầu thêm chứng chỉ hành nghề lái xe sẽ tạo ra trở ngại đối với cả tài xế và cả các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Anh Anh cũng cho biết, từ ngày Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về quy định, tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực. Đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đều thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ vận tải. Nếu đạt bài kiểm tra sẽ được cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ. Chứng nhận này có thời hạn ba năm do các hiệp hội vận tải hoặc các doanh nghiệp, hợp tác xã lớn có điều kiện tổ chức.


Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Luật sư Giang Hồng Thanh nhận định, đề xuất mới của Bộ Giao thông vận tải thì người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. là quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Có lẽ đề xuất này xuất phát từ việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải trong tình hình ngày càng có nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và của liên quan đến xe chở khách, xe chở hàng hóa.

Tuy nhiên, theo Luật sư Thanh vấn đề đặt ra là liệu điều này có gây khó khăn, phiền hà cho người lái xe hay không, khi mà giờ đây ngoài việc phải có bằng lái xe đúng hạng để được điều khiển phương tiện vận tải thì người lái xe còn phải được cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi suốt bao nhiêu năm trước đó họ không cần phải có thêm loại giấy tờ này. Nhất là khi giấy phép thì do Bộ Công an cấp, còn chứng chỉ lại do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Luật sư cho rằng, việc đặt ra bao nhiêu thủ tục từ ban đầu không quan trọng bằng việc giám sát quá trình thực hiện sau này. Ví dụ một người lái xe có đủ chứng chỉ hành nghề nhưng trong thời gian làm công việc vận tải họ không tuân thủ các quy định, tiêu chí khi được cấp chứng chỉ, thì chứng chỉ cũng chỉ là vô nghĩa, tai nạn vẫn có nhiều nguy cơ xảy ra.

Chính vì vây, muốn đảm bảo an toàn cho hành khách, người dân khi tham gia giao thông, theo tôi thay vì siết chặt điều kiện hành nghề đối với người điều khiển xe kinh doanh vận tải, thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát họ và xử phạt thật nghiêm các vi phạm của người lái xe. Điều đó mới thực sự góp phần kiểm soát được tình trạng vi phạm pháp luật của người lái xe khách, xe tải dẫn đến gây mất an toàn cho người khác.

MỸ LINH

/benh-vien-trung-uong-hue-phat-dong-phong-trao-nghia-dong-bao-huong-ve-mien-trung.html