/ Pháp luật - Đời sống
/ Lâm Đồng: Vụ tranh chấp giản đơn, tòa ‘ngâm’ 1 năm chưa xử!

Lâm Đồng: Vụ tranh chấp giản đơn, tòa ‘ngâm’ 1 năm chưa xử!

12/04/2023 09:10 |

(LSVN) - Nhà xây dựng, sử dụng nhiều năm không ai tranh chấp, bỗng đâu một ngày thượng tuần tháng 11/2021 toàn bộ cửa sổ phía sau (thuộc tầng 2) bị người khác lấy tôn bít kín. Sau không ít lần hòa giải bất thành, "khổ chủ" buộc lòng đâm đơn khởi kiện ra tòa,...

Vách tôn chắn toàn bộ cửa sổ phía sau tầng 2 nhà ông Học.

Ngang nhiên đóng vách, bịt nhà

Tiếp xúc với PV, cán bộ hưu trí - Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Học cho hay: Kể từ khi xây dựng và được cấp sổ đỏ nhiều năm nay, căn nhà số 93, đường 3/2, phường 1, TP. Đà Lạt của ông vẫn nguyên trạng, không sửa chữa, xây dựng thêm gì và không ai tranh chấp. Thế nhưng, sáng 22/11/2021, ông Nguyễn Yên Dũng (ngụ tại Khu biệt thự An Sơn, phường 4, TP. Đà Lạt) và bà Doãn Thị Như Thúy (một tiểu thương, ngụ tại số 69S, đường 3/2, phường 1, TP. Đà Lạt) cùng một nhóm người mang tôn đến đóng vào tường, bịt hoàn toàn lối thoát hiểm và cửa sổ phía sau tầng 2 (do nửa sau tầng 1 âm vào vách đồi) căn nhà của ông.

Trước hành vi "lạ" của ông Dũng và bà Thúy, ông Học báo Công an và chính quyền phường sở tại. Ngày 26/11/2021, cán bộ Địa chính cùng cán bộ Tư pháp UBND phường 1 xuống hiện trường đo đạc, kết luận: "Tại vị trí giáp nhà ông Nguyễn Văn Học có 1 vách tôn do bà Thúy dựng lên với chiều dài 5,1m, cao 2,7m. Phần vách tôn dựng nằm trong ranh đất của ông Học".

Nêu ý kiến trong biên bản, bà Thúy ghi: "Tôi đồng ý dỡ tôn..." và ký. Tuy nhiên, cũng theo ông Học, "sau khi điện thoại nghe tư vấn từ ai đó bà Thuý lại xóa đi".

Sau nhiều buổi làm việc không đi đến thống nhất, ngày 24/12/2021, UBND phường 1 mở phiên hòa giải. Tại phiên hòa giải này, bà Thúy vẫn quả quyết phần đóng vách tôn thuộc đất của mình. Do đó, "nếu ông Học cho rằng đất đó của ông thì mời ông kiện ra tòa"!

Ông Dũng chính thức cùng bà Thúy đồng sử dụng thửa đất ở số 42 từ ngày 31/12/2021.

Thụ lý vụ án hơn 1 năm chưa xử

Theo hướng dẫn của chính quyền phường, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Học khởi kiện, yêu cầu TAND TP. Đà Lạt buộc bà Thúy phải tháo dỡ vách tôn bít cửa, đồng thời trả lại phần đất đã chiếm (khoảng 7m2) tại nhà số 93. Ngày 21/3/2022, TAND TP. Đà Lạt ra thông báo thụ lý vụ án dân sự "tranh chấp quyền sử dụng đất" số 51/TB-TLVA. Thế nhưng, cho đến nay đã hơn một năm trôi qua vụ án vẫn "án binh bất động", không được giải quyết theo luật định. Vậy là, những người cầm cân nảy mực tại tòa Đà Lạt đã vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự(?!).

Theo khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định rất rõ về thời hạn chuẩn bị xét xử. Cụ thể như sau:

"1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; (...). Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này".

Như thế, với vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Học với bà Thúy thì thời hạn giải quyết chỉ là 4 tháng (vì không gia hạn hay tạm đình chỉ)!

Câu hỏi đặt ra, tại sao một vụ tranh chấp không mấy phức tạp (vì cả 2 phía đều có sổ đỏ) lại bị kéo dài, chưa biết đến khi nào mới được đưa ra phán xử? Phải chăng, đã có điều gì "nhạy cảm" khiến tòa phải lưỡng lự, "lăn tăn"?

Lô thổ cư của ông Dũng, bà Thúy và vị trí đất đang tranh chấp.

Liệu có điều... "khó xử"?

Cần nói thêm, sở dĩ có chuyện tranh chấp là do bà Thúy đứng tên lô đất thổ cư (rộng hơn 327m2, mặt tiền đường 3/2 và đường Thủ Khoa Huân) có một phần tiếp giáp với đất của ông Học. Thời điểm ông Nguyễn Yên Dũng cùng bà Thúy đóng tôn bít cửa phía sau tầng 2 nhà ông Học thì sổ đỏ vẫn mang tên một mình bà Thúy. Vậy, động cơ nào khiến ông Dũng, chẳng những tham gia việc bịt cửa mà còn đe đập nhà người khác?

Thì ra, ngay sau thời điểm bít nhà, cha ruột của ông Dũng là ông Y, cán bộ đứng đầu một ban thuộc Tỉnh uỷ Lâm Đồng, đã nhắn tin cho ông Học, thừa nhận: Con trai ông (Nguyễn Yên Dũng, 30 tuổi) đã đặt cọc mua phần đất này của bà Thúy. Đồng thời, ông Y cũng đồng ý với đề nghị của ông Học là ông sẽ "nói với Thúy" dỡ tôn! Hơn thế, vị cán bộ Tỉnh uỷ còn cho hay sẽ "thương lượng để cô Thúy trả lại tiền cọc cho cháu Dũng", chỉ khi nào giải quyết xong mới xem xét việc mua bán. "Tôi cũng thống nhất với cháu như vậy", ông Y chắc nịch!

Tuy nhiên, cho đến nay bức vách tôn vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", và ngày 31/12/2021 ông Nguyễn Yên Dũng đã chính thức đứng tên đồng sử dụng lô đất cùng bà Thúy. Chưa hết, theo ông Y, con trai ông khẳng định "làm hàng rào" là trên đất của mình! "Tôi không hiểu sao khi đất đang tranh chấp mà họ vẫn sang tên trên sổ đỏ được?", ông Nguyễn Văn Học thắc mắc!

MẠC HỒNG KỲ - HỮU QUẾ

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số ý kiến đóng góp về phân loại và định giá đất

Bùi Thị Thanh Loan