/ Pháp luật - Đầu tư
/ Làm rõ thông tin sai lệch về Dự án 167 Thụy Khuê, Hà Nội

Làm rõ thông tin sai lệch về Dự án 167 Thụy Khuê, Hà Nội

14/08/2021 06:13 |

(LSVN) - Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận nổi lên thông tin “Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại cao ốc “kim cương” Thụy Khuê do Công ty CIRI (thuộc Tập đoàn GFS) làm chủ đầu tư không đấu giá, gây thất thu ngân sách”. Thông tin trên được gắn với Kết luận Thanh tra số 1183/TB-TTCP do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 23/7/2021.

Kết luận Thanh tra và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ

Ngày 23/7/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 1183/TB-TTCP (KLTT 1183) về “Một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội (giai đoạn 2003 – 2016)”.

Để có KLTT 1183, trước đó, sau khi ban hành KLTT số 1468/KL-TTCP ngày 04/9/2018, TTCP có Báo cáo số 08/BC-TTCP ngày 12/01/2021 về kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 689/VPCP-V.I ngày 31/3/2021 của Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Tổng TTCP ban hành KLTT 1183.

KLTT 1183 đã kết luận nhiều vi phạm pháp luật tại 38 dự án (giai đoạn 2003 – 2016). Về xử lý kinh tế, TTCP yêu cầu thu hồi số tiền 465.656,33 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của TTCP; và thu hồi 925.376,83 triệu đồng về ngân sách thành phố Hà Nội. Về xử lý trách nhiệm, yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; đồng thời UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo 5 sở, ngành và 3 UBND quận kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao; tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất như đã nêu trong KLTT. Căn cứ kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.

Về nội dung, “Công tác quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh”, KLTT 1183 nêu cụ thể vi phạm pháp luật của từng dự án với từng con số gây thất thoát  ngân sách, có dự án gây thất thoát rất lớn có dấu hiệu khai khống khối lượng, chất lượng công trình không đảm bảo…

Ví dụ, hợp phần I – Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, tổng số tiền sai phạm là 43.570,77 triệu đồng, có 42.405,65 triệu đồng, Công ty Cổ phần Thiên Thành An hưởng lợi nhưng không chứng minh được khối lượng công việc đã thực hiện. Ngoài việc vi phạm qui định pháp luật về đấu thầu, dự án này còn sai phạm trong việc đầu tư không đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện; xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm... “Như vậy, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố”, trích Thông báo KLTT 1183.

Ví dụ trên chỉ là một trong hàng loạt dự án được KLTT 1183 gọi tên, chỉ rõ sai phạm rất cụ thể và rất đáng quan tâm về lĩnh vực bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, người dân và xã hội. Sai phạm tại từng dự án, từng chủ đầu tư và cơ quan liên quan được chỉ rõ, thậm chí có sai phạm được kiến nghị xem xét chuyển cơ quan điều tra để xử lý, cho thấy, tính minh bạch, khách quan tại KLTT 1183.

Vậy, mà điều bất ngờ đã xảy ra. KLTT 1183 không có dòng nào “chỉ rõ” hay kết luận Chủ đầu tư CIRI có sai phạm tại Dự án 167 Thụy Khuê, nhưng lại xuất hiện dồn dập thông tin là Dự án có sai phạm, “không đấu giá, gây thất thu ngân sách”. Trong khi đó, những công trình, dự án vi phạm với tổng số tiền sai phạm phải thu hồi lên tới 1.391.033,16 triệu đồng, cùng địa chỉ trách nhiệm cụ thể theo KLTT 1183, lại không được thông tin đầy đủ(!?).

Chủ đầu tư không sai và không gây thất thu ngân sách!

KLTT 1183 dày 30 trang, trong đó Dự án 167 Thụy Khuê được nhắc tới 1 lần trong phần nội dung liên quan chiếm chưa đầy 1 trang.

Theo đó, trong giai đoạn 2003 - 2016, UBND TP Hà Nội đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất khu vực nội thành không phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành để tạo điều kiện phát triển lâu dài; đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế (văn phòng, nhà ở; khách sạn; trung tâm thương mại; dịch vụ…). Việc chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng công trình xã hội; hạ tầng kỹ thuật; phát triển quỹ nhà ở, đảm bảo môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg, ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ quy định, doanh nghiệp phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác trên đất cũ để thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh, xác định lợi thế thương mại chưa sát với thị trường. Vì thế, các dự án tại: số 1 Phùng Chí Kiên; 365A Minh Khai; 167 Thụy Khuê; 69 Vũ Trọng Phụng; 47 Nguyễn Tuân; 108 Nguyễn Trãi; 44 Yên Phụ; 430 Cầu Am… doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên số tiền thu về ngân sách thấp hơn các doanh nghiệp đưa lợi thế đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.

Về nội dung này, KLTT 1183 nhận định: “Việc pháp luật không có qui định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất, cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

Chính vì nhận định “thất thoát ngân sách” là do pháp luật chưa có quy định, là sơ hở của chính sách, nên KLTT 1183 đã không kết luận Dự án 167 Thụy Khuê và 7 dự án khác không đấu giá, thu ngân sách thấp là vi phạm pháp luật. Và sự thật, KLTT 1183 cũng không xác định số tiền thất thoát do không đấu giá tại các dự án kể trên bởi không vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào hồ sơ tài liệu được CIRI cung cấp, vào thời điểm triển khai Dự án 167 Thụy Khuê, Chủ đầu tư là Công ty CIRI (thuộc Tập đoàn GFS) đã chịu sự thanh tra, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đã tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đất đai, đầu tư, nhà ở, xây dựng...

Tại phần kết luận và xử lý sai phạm, KLTT 1183 đã nêu ra hàng loạt vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, doanh nghiệp đối với hàng loạt dự án khác. Riêng Dự án 167 Thụy Khuê và Chủ đầu tư CIRI, KLTT 1183 không kết luận có sai phạm cần phải xử lý.

Điều hiển nhiên là một doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật thì không có chuyện doanh nghiệp đó “gây thất thu ngân sách”.

Hậu quả của thông tin sai lệch

Trong một văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền, CIRI nêu rõ: “những thông tin không chính xác, cố ý quy chụp, định hướng không đúng với nội dung KLTT 1183 đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với Công ty CIRI và Tập đoàn GFS”.

Đại diện CIRI cho biết, trước dồn dập thông tin không chính xác nhưng lại dẫn nguồn KLTT 1183 nên dư luận lại có cơ sở để tin là CIRI sai phạm. CIRI đã phải có rất nhiều văn bản gửi đi các nơi đề nghị làm rõ sự thật. Hiện giờ đã có một số nguồn tin thấy sai đã tự gỡ bỏ hoặc thêm bớt nội dung thông tin, nhưng vẫn còn nhiều thông tin chưa gỡ bỏ; một số thông tin đã được nguồn tin gỡ bỏ nhưng tại các Trang tin điện tử tổng hợp vẫn còn.

Việc đưa thông tin sai lệch chỉ nhằm vào CIRI là Chủ đầu tư được KLTT 1183 kết luận không có sai phạm, trong khi nhiều Chủ đầu tư khác bị kết luận sai phạm gây thất thoát lớn thì không phản ánh tương xứng là không công bằng, không khách quan và rất khó hiểu đổi với CIRI.

“Trong bối cảnh toàn thế giới và Việt Nam đang gồng mình chống dịch, hơn 170 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, hàng triệu người lao động gặp khó khăn, Công ty CIRI cùng Tập đoàn GFS đang phải cố gắng rất nhiều để đồng hành cùng đất nước vượt qua cơn hoạn nạn, rất mong báo chí và các cơ quan chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp, làm minh bạch thông tin sai lệch về Chủ đầu tư Dự án 167 Thụy Khuê”, đại diện CIRI bày tỏ.

PV

Hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cần có cơ chế đối với báo chí

Lê Minh Hoàng