/ Tin nổi bật
/ Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế dâng hương tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế dâng hương tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

05/01/2021 18:08 |

(LSO) - Ngày 14/8, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã đến Nhà văn hóa thôn làng Rồng (thuộc tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) dâng hương, tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng lãnh đạo địa phương kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế dâng hương cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu

Trước di ảnh và bàn thờ của nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước nhà lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm, nhà chính trị, quân sự đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước, đặc biệt là có đóng góp quan trọng trong việc hình thành và xây dựng làng Rồng tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang sau trận lũ tháng 11/1999. Qua đó, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị lãnh đạo UBND huyện, thị trấn và Nhân dân làng Rồng cố gắng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với tình cảm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Được biết, trước đó từ ngày 12/8, chính quyền và người dân làng Rồng lập bàn thờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà văn hóa thôn, UBND huyện Phú Vang, thị trấn Thuận An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng tuyến biển, các cơ quan đóng trên địa bàn và người dân làng Rồng đã đến thắp hương, tiễn biệt cố Tổng Bí thư với tất cả lòng yêu thương, kính trọng.

Làng Rồng hồi sinh

Lũ lụt xảy ra vào năm 1999.

Đúng vào dịp này 21 năm trước, đầu tháng 11/1999, cơn lũ lịch sử 100 năm có một đã nhấn chìm cả miền Trung. Thừa Thiên - Huế là trọng điểm tàn phá của cơn “Đại Hồng Thủy” và Hòa Duân là điểm nóng kinh hoàng nhất. Chỉ trong một đêm, đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, tài sản và 14 người dân sống trên đập Hòa Duân ra biển. Nước lũ đã “xóa sổ” con đập tạo thành một cửa biển lớn. Từ quyết định hàn khẩu đập Hòa Duân sau trận lũ lịch sử đó, cư dân làng Eo năm xưa (nơi ở mới là làng Rồng hiện nay) đã hồi sinh…

Làng Rồng ngôi làng ven biển này đã gắn liền với một sự kiện đau thương của hai mươi năm về trước, cơn Đại Hồng Thủy xảy ra vào năm 1999 đã mở ra cửa biển mới Hòa Duân đồng thời cuốn trôi làng Hải Thành cùng với 14 người dân ra biển, trong số đó có ngôi nhà của bố mẹ ông Trần Văn Thu với 12 người đang trú bên trong cũng cùng chung số phận. Hình ảnh kinh hoàng và sự tàn phá của lũ lụt đã in đậm vào tức khản của mọi người.

Lũ lụt cơn Đại Hồng thủy xảy ra vào năm 1999.

Ông Trần Văn Thu, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên - Huế tâm sự. “Cơn lũ lịch sử năm 1999 đó nhà tôi mất đi 12 người, nhờ bác Lê Khả Phiêu, nhờ tỉnh, nhờ huyện, nhờ cấp trên đã cho tôi một cái nhà che mưa, che nắng, giờ nghe bác Lê Khả Phiêu đã qua đời tôi rất buồn, chẳng nói chi hơn được, khi bác còn sống bác có nói một câu: Thu ơi Thu mất đi 12 người rất là to lớn giờ Thu cứ cố gắng lên, vươn lên đừng gục ngã Thu nghe, Thu gục ngã thì Thu không có ai lo cho Thu đâu chỉ còn Thu để lo ơn trên sống ngày nào để lo ơn trên ngày nấy”.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi, động viên bà con Làng Rồng năm 1999.

Bác Hoàng Văn Toàn, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên- Huế.“Tuy rằng bác đã đi xa nhưng bà con, anh em chúng tôi tại làng Rồng luôn luôn nhớ bác, luôn luôn hướng về bác, vì sau, năm nào bác cũng vào thăm hỏi bà con, động viên bà con và đặc biệt phải nói rằng bác đặt tên cho cái làng chúng tôi là làng Rồng, từ đó mãi mãi chúng tôi nhớ cái tên làng Rồng là nhớ bác và không bao giờ phai mờ, không bao giờ quyên công ơn của bác đối với bà con chúng tôi ở làng Rồng, từ đó chúng tôi vô cùng đau xót khi nghe tin bác qua đời”.

Làng Rồng hồi sinh…

Sau cơn lũ lịch sử 64 hộ dân ở làng Hải Thành được chuyển đến nơi ở mới, người dân nơi đây đã đón nhận và giúp đỡ sự sẻ chia của cộng đồng. Trong chuyến công tác đến thăm hỏi, động viên bà con sau lũ lụt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên cho ngôi làng này là làng Rồng với mong muốn kì vọng về một cuộc sống ấm no cho bà con.

Đồng chí, Ngô Văn Đủ, (Phó Bí thư Thường Trực Đảng ủy thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết).“Từ năm 2000 đến nay hình thành làng Rồng sau trận lũ đại hồng thủy năm 1999, thì được sự quan tâm của đồng chí nguyên là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mong muốn của đồng chí là 64 hộ này về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội là vươn như con rồng, cho nên đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng là mong muốn bà con phát triển về tinh thần, lẫn vật chất và mong muốn bà con hiện nay thì bà con làng Rồng đã thay da, đổi thịt như mong muốn của đồng chí nguyên Tổng Bí thư”.

Một ngôi làng mang tên Lê Khả Phiêu không được ghi trong sổ sách, không được đặt tên bằng giấy trắng mực đen, nhưng đã được người dân ghi nhớ, khắc ghi trong lòng nhân dân.

HOÀNG NGHĨA - TRẦN TÌNH

/thua-thien-hue-that-chat-nguy-co-lay-nhiem-dich-benh-covid-19-tu-ben-ngoai.html