Ảnh minh họa.
Cụ thể, Công văn số 2498/ SGD&ĐT-KHTH nêu rõ, thực hiện chính sách hỗ trợ cho trẻ em mầm non, học sinh (học sinh) nội trú, bán trú, chế độ chính sách cho nhà giáo và người lao động, các khoản thu, chi xã hội hóa, công tác an toàn trường học, phòng cháy, chữa cháy..., UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt, đảm bảo các quy định về chế độ chính sách cho học sinh và giáo viên...Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, ngoài chính sách của Trung ương hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú ở xã khu vực III (Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, hỗ trợ 720 ngàn đồng/tháng/học sinh; trung bình 24.000 đồng/ngày/3 bữa); tỉnh Lào Cai đã ban hành chính sách riêng hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú ở xã khu vực II và xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh hỗ trợ 360.000 đồng/tháng/học sinh; trung bình 12.000 đồng/ngày/3 bữa); nhiều cơ sở giáo dục đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, tổ chức trồng rau xanh, chăn nuôi để bổ sung thêm vào bữa ăn hằng ngày cho học sinh.
Để tiếp tục thực hiện đúng quy định các chính sách hỗ trợ, đảm bảo an toàn trường học, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, Sở GD&ĐT đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục chỉ đạo, thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
Đặc biệt, UBND cấp huyện chỉ đạo, rà soát việc tổ chức, thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh theo Công văn chỉ đạo số 4540/UBND-VX ngày 25/9/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý chế độ chính sách tại các cơ sở giáo dục; Công văn số 2417/UBND-VX ngày 1/6/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục; Hướng dẫn số 01/SGD&ĐT-KHTH ngày 21/1/2021 của Sở GD&ĐT về thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh; hướng dẫn số 342/SGD&ĐT-KHTC ngày 14/3/2017 của Sở GD&ĐT Hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo Quyết định số 132/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Công văn số 1776/SGD&ĐT-KHTH ngày 15/9/2023 của Sở GD&ĐT về thành lập tổ khảo sát giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp bữa ăn hằng này cho học sinh nội trú, bán trú; và các văn bản liên quan.
Thực hiện công khai tài chính, công khai bữa ăn hàng ngày của học sinh nội trú, bán trú theo quy định. Hồ sơ gồm: (1) Quyết định thành lập tổ công tác nội trú, bán trú để thực hiện kiểm soát suất ăn của học sinh; (2) Bảng thực đơn hằng tuần (theo từng ngày, từng bữa ăn); (3) Bảng công khai tài chính (theo từng ngày, từng bữa ăn); (4) Biên bản xác định lưu mẫu thực phẩm hằng ngày (các đơn vị có thể bổ sung thêm hồ sơ khác để đảm bảo trong quản lý).
Tổ chức hoạt động bán trú đảm bảo theo Quyết định số 739/QĐ-SGD&ĐT ngày 19/5/2016 của Sở GD&ĐT ban hành quy định quản lý hoạt động nội trú, bán trú trong trường học trên địa bàn tỉnh. Chú trọng quản lý, tổ chức bữa ăn hằng ngày cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú. Khuyến khích nhân dân, cha mẹ học sinh tham gia hỗ trợ nhân viên cùng nấu ăn; đồng thời, giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày của học sinh nội trú, bán trú tại trường.
Không sử dụng kinh phí chi trực tiếp hỗ trợ cho học sinh (tiền ăn, tiền nhà ở, học bổng, hỗ trợ gạo, hỗ trợ chi phí học tập...) vào mục đích khác. Hỗ trợ chi phí học tập với mức 150.000 đồng/tháng/học sinh được chi trả trực tiếp cho các đối tượng theo Điều 18,;khoản 10, Điều 20; khoản 2, Điều 21, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Các trường THPT thực hiện lắp Camera giám sát toàn bộ khu vực chế biến thức ăn, khu vực chia suất ăn và khu vực ăn của học sinh, tạo tài khoản và công khai tài khoản truy nhập Camera để cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể, các cơ quan truy cập giám sát (hoàn thành lắp đặt xong trước ngày 10/1/2024), nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường. Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu nội dung này để chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp để quản lý hiệu quả bữa ăn, suất ăn của học sinh bán trú.
Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đảm bảo quy định về quản lý tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các khoản thu dịch vụ theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 và Nghị quyết số 4/2023/NQ-HĐND ngày 6/7/2023 của HĐND tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học, đặc biệt các công trình, hạng mục công trình xuống cấp, nơi không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; công tác phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn trường học. Thực hiện đảm bảo quy định về mua sắm, sử dụng tài sản, thiết bị dạy học.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông thực hiện chính sách pháp luật; biểu dương người tốt, việc tốt, chú trọng việc tôn vinh, ghi nhận, khích lệ kịp thời các nhà giáo, đặc biệt các nhà giáo nhiều năm cống hiến ở vùng cao.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và học sinh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng kỷ cương trường học, dân chủ trường học; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục; lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, học sinh, cán bộ, giáo viên; có trách nhiệm giải trình, giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị theo thẩm quyền, phân cấp quản lý.
Tăng cường công tác tự kiểm tra (kiểm tra nội bộ), thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về giáo dục, đặc biệt kiểm tra đột xuất việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên, nhân viên ở những nơi có dư luận hoặc đơn, thư phản ánh, tố cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản, quy chế chuyên môn (nếu có).
NGUYÊN TRẦN