Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 38/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo đó, Thông báo 38/TB-VPCP nêu rõ, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát ở mức cao. Trong nước, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá; an ninh, trật tự tại một số nơi còn tiềm ẩn phức tạp; dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại được phục hồi, hoạt động của tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng.
Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn những tồn tại, bất cập. Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, số người thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, các nguyên nhân điều kiện phạm tội chưa được giải quyết triệt để..., tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng, phức tạp.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.
Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để huy động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người dân cùng vào cuộc; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật; tiếp tục kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất, tránh hình thức, chạy theo số lượng, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự như quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quản lý các hoạt động đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao, du lịch, môi trường, xây dựng cơ bản, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đất đai, tài nguyên, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,... nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa...
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Kiểm lâm...; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công tác trong tình hình mới; có cơ chế sàng lọc, thay thế, luân chuyển những người không đủ năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật.
Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế để chủ động phòng ngừa tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ sớm, từ xa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan thu thập, trao đổi thông tin, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức; tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"; mua bán người; tội phạm liên quan đến công nghệ cao; tội phạm ma túy; tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tội phạm có dấu hiệu "bảo kê", tiếp tay của cán bộ, công chức; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm đối với một số loại tội phạm nổi lên tại một số địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP; thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gắn với củng cố, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an cấp xã, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng ngừa tội phạm từ cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn cả về tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ, nhân lực phương tiện, trụ sở; xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị.
Đồng thời, tổ chức quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng tâm thần, "ngáo đá"; phát hiện, phối hợp giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... đặc biệt là thực hiện thẩm quyền của Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh, giải quyết ban đầu tố giác tin báo về tội phạm, thẩm quyền của Điều tra viên tại Công an cấp xã để góp phần phòng ngừa, xử lý tội phạm.
MINH QUÝ
Miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khởi nghiệp