Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đang có hiệu lực, việc lấy lời khai của người dưới 18 tuổi có thể không cần người giám hộ của người này bởi các quy định sau đây:
- Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi (khoản 2, Điều 420);
- Người đại diện của người dưới 18 tuổi phải được thông báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi trong trường hợp giữ người khẩn cấp. Khi lấy lời khai thì phải có mặt của người bào chữa hoặc người đại diện của họ.
Do đó, khi lấy lời khai của người dưới 18 tuổi có thể có mặt người giám hộ của người này hoặc người bào chữa của người này. Bởi vậy, người giám hộ khi lấy lời khai có thể không bắt buộc phải có mặt.
Cử ai thay thế nếu không có người giám hộ khi lấy lời khai?
Theo Luật sư, căn cứ quy định về việc phối hợp khi cử người tham gia tố tụng nêu tại khoản 1, Điều 8, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018, khi lấy lời khai người dưới 18 tuổi mà không có người giám hộ, người đại diện, người trợ giúp pháp lý hoặc người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc: "Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cư trú cử người giám hộ nếu họ không có người giám hộ đương nhiên".
Như vậy, theo quy định này, nếu người dưới 18 tuổi không có người giám hộ đương nhiên thì sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã - nơi mà người này cư trú cử người giám hộ.
Quy định này không chỉ áp dụng trong việc lấy lời khai hoặc với các hoạt động tố tụng mà theo khoản 1, Điều 54, Bộ luật Dân sự cũng đã đề cập đến vấn đề này như sau: Nếu người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người này sẽ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Riêng, người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 06 tuổi trở lên thì khi cử người giám hộ phải xem xét đến nguyện vọng của người này.
Theo đó, người giám hộ trong các trường hợp này theo thứ tự là anh cả hoặc chị cả ruột; nếu không đủ điều kiện thì người anh/chị ruột tiếp theo sẽ là người giám hộ. Nếu anh chị ruột đều không đủ điều kiện thì sẽ là ông bà nội, ông bà ngoại hoặc người được những người này cử ra làm người giám hộ.
Nếu tất cả những người trên đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì sẽ là bác, chú, cô, dì, cậu ruột của người này.
NGUYÊN VŨ