Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL cho biết, trong những năm qua, thư viện lưu động và hoạt động luân chuyển tài nguyên thông tin đã và đang trở thành một trong những mô hình phát triển văn hóa đọc mang lại hiệu quả, thiết thực phục vụ cộng đồng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Mô hình này giúp cho việc kết nối giữa thư viện với người dân, giữa các cấp thư viện trong cùng hệ thống, giữa các loại thư viện với nhau một cách linh hoạt, hiệu quả, từ đó liên kết các nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngày 15/10/2018, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu, sau 04 năm triển khai thực hiện, đi cùng với những kết quả đạt được, việc triển khai Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL đã gặp nhiều bất cập như quy định về hoạt động thư viện lưu động đặc biệt vấn đề nguồn lực cơ sở vật chất (phương tiện phục vụ lưu động) còn chưa được quy định cụ thể, các quy định về hoạt động của thư viện lưu động còn tương đối chung chung, chưa phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số.
Hoạt động luân chuyển tài nguyên thông tin mới chỉ dừng lại ở việc quy định các nội dung liên quan đến trao đổi, luân chuyển tài nguyên thông tin dạng in, tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc trao đổi, chia sẻ tài nguyên thông tin dạng số đã và đang trở thành một xu thế tất yếu góp phần quan trọng trong việc liên kết, liên thông thư viện.
Sự ra đời của Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành đòi hỏi cần bổ sung thêm các quy định để bảo đảm sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật, qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật về thư viện để Luật Thư viện đi vào cuộc sống.
Vì những lý do trên, việc ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin là cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin hiện nay.
Theo Bộ VH-TT&DL, dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Thông tư số 33, bổ sung thêm các quy định mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Đồng thời, bảo đảm cho các thư viện, đặc biệt là các thư viện có vai trò quan trọng trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin, tạo nền tảng trong việc liên thông, liên kết giữa các loại thư viện trong việc phục vụ cộng đồng trên nền tảng chuyển đổi số.
Thông qua xây dựng Thông tư này, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thư viện bảo đảm thống nhất với Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần đưa Luật Thư viện vào thực tiễn cuộc sống.
MINH TRẦN
Khẩn trương sửa đổi quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh