/ Đời sống - Xã hội
/ Lấy ý kiến góp ý Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật

Lấy ý kiến góp ý Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Ngày 05/11/2020, Học viện Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật. TS. Lê Thị Thúy Nga - Trưởng khoa Khoa đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, Luật sư chủ trì Hội nghị.

Các kỹ năng mềm có vai trò quan trọng trong quá trình hành nghề luật đặc biệt là đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Trong các chương trình đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp đều có phần nội dung đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng nói, kỹ năng viết, kỹ năng tranh luận, kỹ năng giao tiếp…

Hiện tại, phần đào tạo này được thực hiện chủ yếu trên cơ sở kiến thức, kỹ năng của từng giảng viên. Tài liệu giảng dạy chỉ mới có cuốn Tập bài giảng Kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát, Luật sư. Tuy nhiên, cuốn Tập bài giảng còn một số hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, cụ thể là: Mới đề cập tới một vài kỹ năng mềm như kỹ năng nói, kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp mà chưa đề cập toàn diện các kỹ năng cần thiết trong nghề luật; Mới phục vụ cho đối tượng học viên lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát, Luật sư mà chưa phục vụ cho học viên các lớp đào tạo khác tại Học viện Tư pháp; Ở mức độ Tập bài giảng, nội dung các kiến thức, kỹ năng chưa thật sự toàn diện, sâu sắc.

Nhằm bổ sung kiến thức kỹ năng mềm cho học viên toàn bộ các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp đặc biệt là chương trình đào tạo Luật sư; đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập, đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, việc biên soạn mới cuốn Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật là rất cần thiết.

Việc biên soạn mới này nhằm mục tiêu chuẩn hóa tài liệu đào tạo kỹ năng mềm cho học viên các lớp đào tạo tại Học viện Tư pháp; phục vụ việc giảng dạy, học tập, tham khảo phần nội dung về kỹ năng mềm trong toàn bộ các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp đặc biệt là lớp đào tạo luật sư; lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập, lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp; Dự kiến Giáo trình được thiết kế gồm 11 chương, bao gồm các kỹ năng được giảng dạy trong các chương trình đào tạo Luật sư, đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Học viện Tư pháp và một số kỹ năng mềm cần thiết khác của nghề luật.

Tại Hội nghị các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp một số ý kiến như cần nhận diện nhóm kỹ năng mềm cho nghề luật trong số rất nhiều kỹ năng mềm trong cuộc sống; giáo trình cũng cần được xây dựng theo kiểu cầm tay chỉ việc để khi đọc giáo trình người đọc có thể áp dụng được ngay vào thực tế hành nghề.

Kết luận tại Hội nghị, TS. Lê Thị Thúy Nga cảm ơn các đại biểu đã dành tâm huyết nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho giáo trình kỹ năng mềm trong nghề luật. Nhóm tác giả biên soạn sẽ tiếp thu, tổng hợp, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện giáo trình.

PV

/vi-sao-kho-xu-ly-hinh-su-nhung-vu-vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong.html