Đến dự buổi lễ, về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách; Ông Trần Viết Điệp, Chánh Văn phòng.
Về phía Thời báo Văn học nghệ thuật có nhà văn nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập; Bà Thái Thị Lan Hương, Trưởng ban Truyền thông và Hợp tác quốc tế...
Về phía khách mời có Bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội; Nhạc sĩ Cao Hồng Phương, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ; Bà Nguyễn Thị Hồng Chính, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Mặt trận tổ quốc xã Gia Điền và xã Yên Kỳ cùng đông đảo nhân dân xóm Gốc Gạo xã Gia Điền.
Toàn cảnh Lễ động thổ công trình Nhà bia lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Động thổ công trình nhà bia lưu niệm.
Nhà văn, Nhà báo Hoàng Dự chia sẻ cơ duyên dẫn đến việc xây dựng hai công trình có ý nghĩa đặc biệt là Nhà bia Lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ hòa, tỉnh Phú Thọ; Công trình Nhà bia Lưu niệm nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ.
Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự phát biểu khai mạc.
Đó là vào tháng 5/2023, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Liên hiệp về nguồn thăm lại hai địa điểm lịch sử trước thềm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. “Khi về đây chúng tôi nhìn thấy hai tấm bia lưu niệm các bậc tiền bối đã xây dựng, tôi đã báo cáo Chủ tịch Liên hiệp, được sự cho phép, Thời báo Văn học nghệ thuật vận động tài trợ xây dựng hai nhà bia. Trong một lần làm việc được bà Lê Thị Thuý Ngà – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đồng ý tài trợ cho việc xây dựng. Được sự cho phép của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và sự ủng hộ của Đảng uỷ, chính quyền, Mặt trận tổ quốc hai xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ hai thôn nên tiến hành lễ động thổ khởi công xây dựng ngày hôm nay".
Ông cũng cho biết thêm, trong kế hoạch sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng nhà bia ở xã Yên Kỳ sau khi chính quyền xã thực hiện xong thủ tục thu hồi, đền bù đối với người dân địa phương.
PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ôn lại lịch sử vẻ vang của nền văn nghệ kháng chiến: “Tại chính mảnh đất này theo chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, các văn nghệ sĩ tiền bối khi ấy đã bàn bạc, quyết định tổ chức Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) từ ngày 23-25/7/1948, chọn địa điểm ở trên một ngọn đồi thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ cách đó chừng 5km có địa hình hiểm trở hơn. Đại hội thành công với Tổng Thư ký khi ấy là nhà văn Nguyễn Tuân thì toàn bộ cơ quan thường trực lại trở về với Gia Điền hoạt động trong 02 năm, đồng thời ra đời Nhà xuất bản Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ mà sau này là Thời báo Văn học nghệ thuật kế thừa”.
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu.
Ông chia sẻ thêm: “Với tư cách thế hệ sau, càng thấm thía tầm nhìn sâu rộng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi những ngày cách mạng còn non trẻ đã đặc biệt quan tâm đến văn hoá, đã xây dựng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức đến hôm nay có đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu. Buổi lễ động thổ hôm nay là một trong những hành động tri ân đối với nền văn nghệ Việt Nam, đến đồng bào đã đùm bọc cách mạng, các văn nghệ sĩ mà khi ấy tuổi đời còn rất trẻ. Các văn nghệ sĩ tại nơi đây đã sáng tác những tác phẩm sống mãi với thời gian, đơn cử như “Bầm ơi”, “Bà Bủ” của nhà thơ Tố Hữu, “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận…”.
Ông đồng thời khẳng định Liên hiệp việc xây dựng nhà bia lưu niệm là một trong những hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm ghi ơn, tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối và đồng bào nhân dân, cán bộ, đảng bộ địa phương đã giúp đỡ gây dựng nên hồn cốt nền văn nghệ cách mạng thể qua những tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Và như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là sáng tác nên những tác phẩm hay, tác phẩm rung động lòng người và sống mãi với thời gian.
Ông Cát Quốc Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Điền phát biểu.
Ông Cát Quốc Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Điền cho biết, năm 1997, nhà thơ Tố Hữu đã về thăm và phối hợp với địa phương xây dựng bia lưu niệm, tuy nhiên điều kiện kinh phí khi ấy còn hạn hẹp. Ông vui mừng khẳng định việc nâng cấp nhà bia, xây dựng quần thể nhà bia lưu niệm là công trình rất có ý nghĩa với địa phương, chính quyền và nhân dân đều mong mỏi. Địa phương sẽ có trách nhiệm quy hoạch, cam kết phối hợp cùng bà con nhân dân giải phóng mặt bằng, cùng đơn vị thi công xây dựng đúng tiến độ, chất lượng.
Đồng thời hi vọng sắp tới nơi đây sẽ trở thành một điểm đến về nguồn ý nghĩa cho không chỉ văn nghệ sĩ mà còn đối với các thể hệ trẻ, các em học sinh, giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng và nền văn học nghệ thuật thời kháng chiến.
Ông Cát Quốc Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Điền tặng hoa cảm ơn bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường.
Trong buổi lễ, NSƯT Chiều Xuân đã ngâm bài thơ “Bầm ơi” mà chị thuộc lòng từ ngày trẻ trong niềm xúc động khi là thế hệ nghệ sĩ được sống trong đất nước hòa bình, lần đầu đặt chân đến thủ đô văn nghệ thời kỳ kháng chiến, khi biết chính nơi đây, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác nên bài thơ “Bầm ơi” về nhân vật bà Bủ có thật, nơi đặt bia lưu niệm chính là mảnh đất ngày xưa bà nuôi giấu văn nghệ sĩ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Bà Hải, người cháu dâu nội gọi bà Bủ bằng bà chia sẻ với phóng viên, các thế hệ con cháu sau này của bà Bủ đều đi làm ăn, sinh sống xa quê hương và gây dựng được những thành công nhất định nhưng sau khi nghỉ hưu vợ chồng bà liền trở về quê hương sinh sống để thờ cúng tổ tiên ông bà. Và bà rất vinh dự tự hào khi công trình nhà bia lưu niệm sắp tới hoàn thành sẽ có nhiều hơn nữa văn nghệ sĩ, nhân dân biết đến mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
NGUYỄN CHI/arttimes.vn
Vĩnh Phúc: Giám sát việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Lập Thạch