Hội thảo lấy ý kiến của các Đoàn Luật sư, các Luật sư đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 04/BC-LĐLSVN ngày 14/3/2023 báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT ngày 01/02/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công văn số 95/BTTP-CC,TPL ngày 02/02/2023 của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp đề nghị đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Công văn số 37/LĐLSVN ngày 08/02/2023 gửi tới các Đoàn Luật sư và đăng trên trang thông tin điện tử của Liên đoàn đề nghị các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư thành viên tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhiều Đoàn Luật sư đã tổ chức lấy ý kiến các Luật sư, tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương tổ chức. Nhiều Luật sư thành viên đã viết bài đăng tải trên các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương. Đồng thời, ngày 28/02/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tính đến ngày 03/3/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được ý kiến của 21 Đoàn Luật sư, 05 tổ chức hành nghề Luật sư và 55 Luật sư tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở các báo cáo, ý kiến gửi đến và qua tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Đoàn Luật sư và các Luật sư thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiến hành tổng hợp các ý kiến một cách đầy đủ và khách quan.
Văn bản nêu rõ, dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung cả về bố cục, cơ cấu và nội dung của các điều luật, số lượng điều luật tăng 24 điều so với Luật Đất đai năm 2013 (dự thảo Luật có 236 điều, Luật Đất đai năm 2013 có 212 điều). Dự thảo đã cố gắng thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nhiều chính sách mới đột phá, tác động đến phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới đã được cập nhật trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, trong dự thảo Luật vẫn còn những tồn tại, thiếu sót cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý như một số quy định mang tính tuyên ngôn, còn chung chung, thiếu tính khả thi, chưa thống nhất, đồng bộ với các quy định khác trong chính dự thảo Luật, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác (các quy định về quyền của người sử dụng đất).
Cũng như Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật không quy định về việc người sử dụng đất có quyền mượn và cho mượn đất (hay quyền sử dụng đất), mà chỉ quy định chế tài thu hồi đất nếu “cho mượn trái pháp luật”, trong khi đây là một quyền rất cần thiết, hợp lý, chính đáng, khả thi và thực tế.
Đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật đã phần nào khắc phục bất cập của Luật Đất đai 2013 khi đã bổ sung điều khoản diễn giải về các dự án cần thực hiện “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Việc bổ sung quy định này thể hiện cách tiếp cận mang tính kế thừa và nâng cấp so với quy định hiện hành tại Luật Đất đai 2013 nhưng trong dự thảo Luật chỉ mới liệt kê các dự án. Có thể thấy rằng điều khoản được bổ sung này mang tính mô tả khái quát chung mà chưa hoàn toàn cụ thể, chi tiết và có thể định lượng để xác định chính xác một dự án có đáp ứng nội hàm này hay không.
Các cơ chế đã được thiết lập tại dự thảo Luật về việc phê duyệt, thông qua danh mục các công trình, dự án vẫn giữ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án thực hiện thu hồi đất, các khu vực cần thu hồi đất theo quy hoạch và đã bổ sung vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, quy định này có thể được xem là một định hướng để cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đóng vai trò chốt chặn và đưa ra các quyết sách phù hợp trong từng trường hợp cụ thể đối với các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với phương án chỉ liệt kê tên dự án tại Luật Đất đai 2013 hiện hành.
Tại Văn bản số 04/BC-LĐLSVN này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổng hợp những góp ý cụ thể đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý về người sử dụng đất là hộ gia đình (Điều 5 Chương I. Quy định chung). Theo các ý kiến đóng góp, khoản 2 Điều 5 dự thảo quy định về người sử dụng đất theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Dự thảo quy định “hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Nếu quy định này được chấp nhận có nghĩa là sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) mới được thông qua và có hiệu lực Nhà nước sẽ không còn giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất cho hộ gia đình.
Các ý kiến đóng góp ủng hộ việc bỏ hộ gia đình là người sử dụng đất trong dự thảo Luật, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, do tính không bền vững của hộ gia đình (thay đổi về nhân khẩu), nên việc xác định thành viên hộ gia đình dù đã được hướng dẫn nhưng vẫn còn bất cập, vướng mắc trên thực tiễn (xác định thành viên hộ gia đình: Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại; quyền sử dụng đất là của cha mẹ nhưng khi thực hiện quyền lại phải hỏi ý kiến của các con, đôi khi cả người không có quan hệ gì (không có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng) nhưng có tên trong hộ khẩu..., dẫn đến thêm nhiều thủ tục phiền hà khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Thứ hai, việc bỏ “hộ gia đình” phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về thực hiện quyền dân sự của hộ gia đình (Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự); Điều 207, 212 Bộ luật Dân sự về sở hữu chung và sở hữu chung của các thành viên gia đình và phù hợp với việc bỏ sổ hộ khẩu theo quy định của Luật cư trú.
Thứ ba, thực tế cho thấy hộ gia đình sử dụng đất hiện đang thực hiện quyền, nghĩa vụ với tư cách cá nhân của từng thành viên gia đình như nhóm cá nhân có chung quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, góp ý về quyền công dân đối với đất đai (Điều 24), theo các ý kiến đóng góp, khoản 7, 8, Điều 24 của dự luật quy định nhóm quyền quan trọng của công dân đối với đất đai như sau:
“7. Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; 8. Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến quy định này, các ý kiến đóng góp nhận thấy có các vấn đề pháp lý sau đây:
Thứ nhất, dự thảo Luật quy định như vậy dẫn đến không phân biệt được người sử dụng đất nói chung, công dân nói riêng có những quyền gì. Chỉ riêng 2 khoản trên thì cộng lại (theo cách phân chia chi tiết quyền) đã thấy cá nhân có ít nhất 14 quyền và vẫn chưa đủ. Ví dụ ở trên có 2 quyền là “chuyển nhượng” và “nhận chuyển nhượng”, nhưng lại chỉ có quyền “thế chấp” mà không có quyền “nhận thế chấp”.
Thứ hai, trong 6 quyền đều mang tính chất “tiếp nhận” kể trên, thì lại quy định quyền “mua, bán cổ phần, nhận chuyển nhượng cổ phần...”. Việc bổ sung quyền mới “mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật” là không hợp lý. Về nguyên tắc, việc “quyền sử dụng đất” hay “giá trị quyền sử dụng đất” đã góp vốn và được ghi nhận thành “cổ phần” hay “phần vốn vốn” thì giống như mọi loại cổ phần khác và không còn liên quan gì đến tài sản góp vốn. “Đất” hay “quyền sử dụng đất” hay “giá trị quyền sử dụng đất”, khi đó là tài sản nhận chuyển nhượng, được giao hoặc được thuê của công ty, chứ cổ đông công ty (cổ phần) hoặc thành viên công ty (TNHH) không có quyền hoặc nghĩa vụ liên quan gì đến “đất” hay “quyền sử dụng đất” hay “giá trị quyền sử dụng đất”.
Vì vậy, Liên đoàn đề nghị cần viết các điều khoản theo hướng quy định đầy đủ quyền của người sử dụng đất, trong đó tách thành các quyền và nhóm quyền khác nhau, sau đó các điều khoản khác viện dẫn đến từng quyền hoặc từng nhóm quyền hoặc toàn bộ quyền. Đồng thời, cần viết các điều khoản quy định về quyền của công dân hay người sử dụng đất để cho người đọc thấy ngay rằng đó là toàn bộ quyền hay một phần quyền, nếu chỉ là một phần quyền thì còn có quy định ở điều nào khác. Cần bỏ quy định về việc “mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
HỒNG HẠNH