/ Hoạt động Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất về tổ chức Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất tỉnh, thành phố

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất về tổ chức Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất tỉnh, thành phố

03/06/2025 14:37 |25 ngày trước

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam xin ý kiến về tổ chức Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất tỉnh/thành phố.

Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số nội dung về việc hợp nhất các Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, tính đến ngày 27/5/2025, có 57 Đoàn Luật sư đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, còn 06 Đoàn Luật sư chưa tổ chức Đại hội. Trong đó, có 04 Đoàn Luật sư đã quá hạn (Cà Mau, Quảng Trị, Hải Phòng, Quảng Nam), còn 02 Đoàn Luật sư chưa đến hạn tổ chức Đại hội là Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII (2024-2029).

Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VIII (2024-2029).

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 60-NQ/TW thống nhất phương án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 tỉnh/thành phố xuống còn 34 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Như vậy, sau khi thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh thì số lượng Đoàn Luật sư cũng sẽ phải giảm tương ứng, từ 63 Đoàn Luật sư còn lại 34 Đoàn Luật sư. Trong đó, giữ nguyên 11 Đoàn Luật sư tại các tỉnh, thành phố không thực hiện hợp nhất, còn 52 Đoàn Luật sư hợp nhất thành 23 Đoàn Luật sư tại các tỉnh, thành phố mới sau hợp nhất.

Do Luật Luật sư không có quy định về việc hợp nhất Đoàn Luật sư, nhưng thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh nêu trên thì việc hợp nhất các Đoàn Luật sư sẽ được thực hiện theo các căn cứ sau: Khoản 3 Điều 15, Điều 20, khoản 4, khoản 5 Điều 32 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Điều 88 Bộ luật Dân sự; khoản 1, 2 Điều 60 Luật Luật sư; Công văn số 110/BNV-TCPCP ngày 06/3/2025 của Bộ Nội vụ về một số nội dung liên quan đến hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Căn cứ các quy định nêu trên, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất một số nội dung sau đây để các cơ quan có hướng dẫn về các nội dung này:

Thứ nhất, đối với các Đoàn Luật sư tại các tỉnh, thành phố thực hiện hợp nhất (kể cả các Đoàn Luật sư chưa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ), Ban Thường vụ Liên đoàn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định cho phép hợp nhất, thành lập Đoàn Luật sư mới, kết thúc hoạt động của các Đoàn Luật sư được hợp nhất, chỉ định Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật lâm thời của Đoàn Luật sư.

Trước khi chỉ định Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật lâm thời của Đoàn Luật sư, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có thể lấy phiếu tín nhiệm trong Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật của Đoàn Luật sư, đồng thời tham khảo ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Thứ hai, Ban Chủ nhiệm lâm thời của Đoàn Luật sư đã được UBND tỉnh, thành phố chỉ định, sau một thời gian ổn định từ khoảng 03 tháng đến 06 tháng xây dựng Đề án tổ chức Đại hội để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền cho phép tiến hành tổ chức Đại hội bầu Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật của Đoàn Luật sư theo quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Thứ ba, các Đoàn Luật sư được hợp nhất chấm dứt hoạt động khi thành lập Đoàn Luật sư mới sau hợp nhất, chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho Đoàn Luật sư mới thành lập sau hợp nhất kế thừa. Việc sử dụng con dấu, tài khoản, quản lý tài chính, tài sản và trụ sở của Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất được thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tư, sau thời điểm hợp nhất các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong thời gian chuyển tiếp chờ thực hiện hợp nhất các Đoàn Luật sư và sau khi thành lập Đoàn Luật sư mới sau hợp nhất, các Đoàn Luật sư cần phải duy trì hoạt động bình thường, liên tục, ổn định theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; không để khoảng trống pháp lý, gián đoạn công việc; chú trọng việc phân công luật sư tham gia các vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết các thủ tục trong quản lý luật sư, quản lý người tập sự hành nghề luật sư...

PV

Các tin khác