(LSO) - Ngày 25/6/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản số 186/LĐLSVN-BVQLLS về việc giải quyết đơn đề nghị hỗ trợ luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm.
Văn bản được gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, do LS. TS. Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký.
Theo đó, ngày 25/6/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được đơn đề nghị hỗ trợ luật sư của các Luật sư được gia đình các bị can trong vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội mời bào chữa và được Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội cấp Thông báo người bào chữa.
Trong đơn, các Luật sư phản ánh về việc bị gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án tại VKSND TP. Hà Nội và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam hỗ trợ, đảm bảo quyền hành nghề theo đúng quy định pháp luật.
Theo nội dung đơn, vụ án trên đã kết thúc giai đoạn điều tra từ ngày 05/6/2020 và hồ sơ vụ án đã được chuyển đến VKSND TP. Hà Nội để truy tố. Ngày 16/6/2020, Luật sư Lê Văn Hòa đến VKSND TP. Hà Nội và điện thoại cho Kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ án do Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội cung cấp để làm thủ tục sao chụp hồ sơ vụ án, nhưng không liên hệ được.
Ngày 17/6/2020, Luật sư Hòa tiếp tục gọi nhiều cuộc điện thoại và nhắn tin cho KSV này nhưng cũng không nghe máy và trả lời tin nhắn. Từ ngày 18 đến 22/6/2020 Luật sư Hòa và Luật sư Phạm Lệ Quyên tiếp tục đến VKSND TP. Hà Nội nhiều lần đề nghị sao chụp hồ sơ vụ án nhưng các cán bộ Phòng 2 VKSND TP. Hà Nội nói KSV đi vắng, điện thoại nhưng KSV vẫn không nghe máy.
Luật sư Lê Văn Hòa đã gặp cán bộ phòng Tiếp dân của VKSND TP. Hà Nội để phản ánh, đề nghị họ giải quyết, nhưng cán bộ tiếp dân không chấp nhận thông báo người bào chữa do Cơ quan cảnh sát điều tra cấp mà yêu cầu Luật sư Hòa làm thủ tục đăng ký lại tại VKSND TP. Hà Nội.
Chiều ngày 24/6/2020 nhiều Luật sư cùng đến VKSND TP. Hà Nội yêu cầu được tiếp cận, nghiên cứu, sao chụp hồ sơ vụ án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đã gọi và nhắn tin với KSV thụ lý vụ án nhưng vẫn không được trả lời. Một nữ cán bộ phòng Tiếp dân trả lời là KSV đi vắng. Các luật sư đã làm văn bản tại trụ sở VKSND TP. Hà Nội, một lần nữa yêu cầu VKSND TP. Hà Nội tạo điều kiện cho các luật sư tiếp cận hồ sơ vụ án theo quy định.
Nếu trình bày của các luật sư nêu trên là đúng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, theo quy định tại khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự Năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa: “Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng trừ các trường hợp: (a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; (b) Người đại diện hoặc thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa”.
Đối chiếu với trường hợp của các luật sư nêu trên không thuộc các trường hợp như quy định của điều luật trích dẫn ở trên. Vì vậy, về mặt pháp lý, các Luật sư không phải làm lại thủ tục đăng ký bào chữa tại VKSND TP. Hà Nội. Việc các Luật sư sau nhiều ngày chưa được tiếp cận để sao chụp hồ sơ vụ án đã làm ảnh hưởng đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư và quyền của người bị buộc tội đã được quy định tại Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013; Điều 16 và Điểm (a) Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Điểm (a) Khoản 1 Điều 21 Luật Luật sư 2012.
Nhằm bảo đảm quyền bào chữa của các Luật sư và quyền nhờ luật sư, người khác bào chữa của các bị can theo quy định của pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xin chuyển đơn của các Luật sư nêu trên đến Lãnh đạo VKSND TP. Hà Nội. Trong phạm vi thẩm quyền đã được pháp luật quy định, đề nghị Lãnh đạo VKSND TP. Hà Nội xem xét, kiểm tra việc KSV thụ lý vụ án đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng, tạo điều kiện cho các Luật sư được sớm tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án nhằm tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội trong giai đoạn truy tố.
LSO