(LSVN) - Với vai trò của mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các Luật sư. Các kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghề Luật sư nói chung và hoạt động tham gia tố tụng nói riêng đã được Liên đoàn quan tâm và lắng nghe.
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, khả năng kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan tiến hành tố tụng còn hạn chế, chưa hiệu quả; lợi ích ngành, lợi ích cá nhân của một số cán bộ vẫn còn tồn tại trong hoạt động công vụ mà chưa bị phát hiện, xử lý thì việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư là không thể tránh khỏi; hiện tượng thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu luật sư ra khỏi phòng xử án đang có xu hướng gia tăng.
Với vai trò của mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các Luật sư. Các kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghề Luật sư nói chung và hoạt động tham gia tố tụng nói riêng đã được Liên đoàn quan tâm và lắng nghe, cụ thể Liên đoàn đã cử người giám sát tại phiên tòa xử vụ trốn thuế ở Khánh Hòa, hay kiến nghị trong việc hành nghề của các Luật sư đối với các vụ án trọng điểm như vụ Hồ Duy Hải,…
Theo tôi, bản thân mỗi Luật sư cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tự bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của mình khi bị xâm phạm, có khả năng ứng xử và xử lý tốt tình huống, có thái độ xây dựng trong việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng của mình.
Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là một nghĩa vụ bắt buộc của luật sư được quy định trong Luật Luật sư và Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Thông tư số 02/2019/TT-BTP, ngày 15/3/2019 quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư.
Tuy nhiên, những quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào thực tiễn, còn mang nặng tính hình thức. Trách nhiệm của các tổ chức thực hiện lớp bồi dưỡng còn chưa rõ ràng, chất lượng các lớp học bồi dưỡng chưa được giám sát, bảo đảm.
Theo tôi, cần nghiên cứu theo hướng bồi dưỡng bắt buộc online để tiết kiệm chi phí và thời gian.
Luật quy định thời gian đào tạo luật sư là 12 tháng và thời gian tập sự là 12 tháng là hoàn toàn phù hợp thực tế hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề quản lý người tập sự hành nghề Luật sư cũng chưa được chú trọng, mặc dù Thông tư số 21/2010/TT-BTP ngày 28/11/2013 ban hành quy chế tập sự hành nghề Luật sư đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tập sự, cũng như điều kiện, trách nhiệm của người hướng dẫn nhưng chưa có sự kiểm tra chặt chẽ nên việc tập sự không có hiệu quả, chiếu lệ, dẫn đến chất lượng Luật sư khi ra hành nghề còn chưa cao.
Trong tình hình phát triển mới, để ngày càng nâng cao chất và lượng của đội ngũ Luật sư, chúng tôi cho rằng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần thực hiện tốt những công việc sau đây:
Thứ nhất, có cơ chế phối hợp với các đoàn Luật sư, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát việc kiểm tra tập sự, các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư;
Thứ hai, kiến nghị với cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng về đẩy mạnh hoạt động tranh tụng, nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sư tham gia hoạt động tố tụng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp;
Thứ ba, tiếp tục tham gia tích cực vào các công tác tham vấn xây dựng pháp luật, rà soát thủ tục hành chính, trợ giúp pháp lý…; tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để đội ngũ Luật sư Việt Nam nâng cao năng lực và tham gia bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các vụ kiện, tranh chấp pháp lý quốc tế,…
Luật sư TRẦN VĂN DUẨN Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Niên Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai |