/ Hoạt động Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Lớp Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến Thông tư số 46/2019/TT-BCA

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Lớp Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến Thông tư số 46/2019/TT-BCA

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Ngày 28/11, tại Thành phố Bắc Ninh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Lớp Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Luật sư với nội dung quán triệt và thực tiễn áp dụng Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an. 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến Thông tư số 46/2019/TT-BCA.

Giảng viên hướng dẫn là Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và hơn 60 học viên đến từ các Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh.

Theo Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/12/2019 với nhiều điểm mới, bảo đảm tốt hơn đến quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự. 

Theo đó, Thông tư 46/2019/TT-BCA gia tăng số lượng các quy định về thông báo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa theo hướng Luật sư có thể tiếp cận sớm nhất nhằm hỗ trợ pháp lý cho người bị buộc tội, đề cao trách nhiệm và thời hạn giải quyết các yêu cầu; Thông tư 46/2019/TT-BCA cũng đặt ra rõ ràng trình tự tự gặp, tham dự hỏi cung của Luật sư sau khi đã được cấp thông báo đăng ký bào chữa trình đối với các buổi làm việc do Cơ quan điều tra, Điều tra viên chủ động tiến hành theo kế hoạch điều tra.

Đặc biệt, Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trình tự Luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của Cơ quan điều tra, Điều tra viên (trừ trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia). Ngoài ra, thông tư này đã bãi bỏ quy định bất hợp lý về việc hạn chế thời gian gặp, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng 1 giờ mà thay vào đó Cơ quan công an, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam...

“Thông tư 46/2019/TT-BCA có rất nhiều điểm mấu chốt liên quan đến hoạt động của Luật sư. Đó là các quy định liên quan đến hoạt động thông báo và thủ tục đăng ký bào chữa; bảo đảm thực hiện một số hoạt động của Luật sư; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn điều tra; cơ chế và cách thức giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi Luật sư”, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nói.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài đánh giá, Thông tư 46/2019/TT-BCA của Bộ Công an thể hiện sự nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của Luật sư và trách nhiệm của Cơ quan điều tra, điều tra viên. Thông tư cũng cho thấy việc tuân thủ nghiêm túc Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trên cơ sở pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Từ những điểm mới quan trọng và những quy định mang tính thực tiễn và khả thi cao trong quá trình áp dụng, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nhấn mạnh, những người làm việc trong lĩnh vực luật pháp, đặc biệt là các Luật sư cần nghiên cứu kỹ lưỡng và nắm chắc các quy định tại Thông tư 46/2019/TT-BCA để không chỉ đảm bảo thực hành tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quá trình hành nghề của Luật sư mà còn góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các khách hàng của các Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư.

Tại khóa bồi dưỡng, các Luật sư, học viên đã trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, đưa ra nhiều câu hỏi bám sát nội dung chương trình tập huấn và liên hệ với thực tiễn hoạt động hành nghề, nhất là những vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật liên quan trong quá trình hành nghề. Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài đã dành thời gian giải đáp, trao đổi từng nội dung cụ thể. 

Kết thúc khóa bồi dưỡng, các Luật sư, học viên đánh giá cao những nội dung trao đổi tại khóa bồi dưỡng. Cho rằng đây là chuyên đề thiết thực, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của các Luật sư, cũng như các cá nhân khác đang hoạt động trong lĩnh vực này và mong muốn Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên hơn để hỗ trợ các Luật sư tìm hiểu thêm các quy định mới của pháp luật, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của giới Luật sư cả nước.

Nhóm PV

/doan-luat-su-tp-da-nang-to-chuc-lop-boi-duong-nghiep-vu-luat-su-nam-2020.html