(LSVN) - Ngày 07/11/2020, tại Thanh Hóa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ Luật sư năm 2020 cho Đoàn Luật sư 4 tỉnh gồm Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.
Chuyên đề chính được tập huấn, đó là “Quán triệt và thực tiễn áp dụng Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an”, quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Tại buổi tập huấn, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam quán triệt tinh thần của Thông tư 46 về việc cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS như: “Bảo đảm pháp chế XHCN trong TTHS quy định tại Điều 7; Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8); Suy đoán vô tội (Điều 13); Xác định sự thật của vụ án (Điều 15); Bảo đảm quyền tự bào chữa, nhờ luật sự hoặc người khác bào chữa (Điều 16); Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 19); và Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 32).
Cũng tại buổi tập huấn, GS. TS. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh trình bày những điểm mấu chốt trong Thông tư 46 liên quan đến hoạt động Luật sư. Trong đó, có thông báo, thủ tục đăng ký bào chữa, bảo vệ; bảo đảm thực hiện một số hoạt động của Luật sư, như: Bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng; vấn đề báo trước thời gian và địa điểm cho Luật sư tiếp xúc gặp gỡ bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ; tổ chức cho Luật sư gặp người bị buộc tội…
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh còn nhấn mạnh về trách nhiệm đảm bảo thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa, bảo vệ. Trường hợp thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì xử lý như thế nào? Vấn đề thông báo kết luận giám định, định giá tài sản và quyền của người bào chữa; trách nhiệm thực hiện bảo đảm quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa cần tạo cơ chế giám sát phù hợp.
Đồng thời, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn điều tra cũng được đề cập, thảo luận. Các quyết định hành chính, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại (Điều 470 Bộ luật TTHS 2015) là các quyết định và hành vi của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên có thể bị khiếu nại, tố cáo tùy theo tính chất và mức độ sai phạm. Người khiếu nại có quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại và trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trên cơ sở đó, buổi tập huấn giúp cho Luật sư nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của Luật sư và trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Điều tra viên; tuân thủ nghiêm túc Bộ luật TTHS, Thông tư 46 và các văn bản pháp quy liên quan; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trên cơ sở pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư.
Tại buổi tập huấn, Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã trình bày một số điểm mới trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng nêu ra một số vấn đề cần trao đổi. Đó là những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Bộ Quy tắc mới đã hợp lý chưa? Nếu chưa hợp lý thì cần sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung gì? Qua nghiên cứu, có những nội dung gì trong Bộ Quy tắc mới cần phải trao đổi, thảo luận để hiểu rõ, đúng tinh thần và nội dung của Quy tắc? Bộ Quy tắc mới đã được ban hành, cần làm gì để Bộ Quy tắc được quán triệt và thực hiện có hiệu quả trong hoạt động hành nghề Luật sư?
TRỌNG HÙNG