Tham dự buổi Lễ, về phía khách mời có bà Phạm Thị Thu Hương, Vụ trưởng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (VNONN), Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Thu Phương, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Người Việt toàn Châu Âu; ông Đỗ Nhật Thanh; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp cầu đầu tư; ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Ban Đối ngoại Hội nạn nhân chất độc màu da cam; bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc MB Chi nhánh Hà Thành;...
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người VNONN; Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam;...
Về phía Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) có ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; ông Nguyễn Lân Hiếu, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; bà Vũ Thị Qúy, Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng ALOV; Luật sư Lê Đức Bính, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ ALOV; ông Phạm Quang Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Công nghệ thông tin ALOV,...
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, đây là sự kiện quan trọng của 2 hiệp hội, tạo cơ hội để thành viên của 2 hiệp hội phát triển, giúp đỡ nhau, giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau. Đồng thời, khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình thì 2 hiệp hội sẽ đem lại những lợi ích chung của cộng đồng cho xã hội.
Thông qua những nội dung đã được thỏa thuận, ký kết, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp nhận những thông tin, nhu cầu cần thiết của người Việt Nam ở nước ngoài từ Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV), như nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của Luật sư, các lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài theo các đề xuất của hội...
“Chúng tôi tin tưởng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cùng nhau thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hai bên sẽ cũng nhau góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết của dân tộc”, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại buổi Lễ.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ, nếu có được sự chung tay của giới Luật sư Việt Nam thì công tác trợ giúp pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được đảm bảo và đạt được những kết quả cao.
Theo ông Bình, hiện nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề như quốc tịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài, đầu tư nước ngoài,... Sự phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp khắc phục những khó khăn đó.
Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài hi vọng sẽ nhận được sự tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ Luật sư để giúp kiều bào nước ngoài hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật, từ đó góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Lân Hiếu, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được hỗ trợ của Luật sư, đặc biệt trong việc khám, chữa bệnh khi ở nước ngoài.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Vụ trưởng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, vấn đề trợ giúp pháp lý của Luật sư đối với người Việt Nam ở nước ngoài là rất cần thiết, hy vọng sự phối hợp này sẽ góp phần giúp cơ quan nhà nước hoàn thiện các quy định của pháp luật để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các kiều bào nước ngoài trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm tại buổi Lễ, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, tinh thần của Luật sư là làm đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ, phục vụ cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Các Luật sư sẽ cố gắng đáp ứng được ở mức độ cao nhất để hỗ trợ những vấn đề pháp lý cho người dân nói chung và kiều bào nước ngoài nói riêng.
Với đội ngũ Luật sư khoảng 17.000 người, trong đó có khoảng 2.000-3.000 Luật sư có khả năng cung cấp dịch vụ đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, mỗi khi tổ chức có nhu cầu, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Đồng thời, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam hy vọng các bên sẽ gắn kết với nhau và có kết quả tốt khi thực hiện các công việc theo nội dung bản ký kết.
Tại buổi Lễ ký kết, các đại diện các cơ quan, ban, ngành đã có những trao đổi, thảo luận nhằm tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên và huy động các nguồn lực để phát triển bền vững cho mỗi tổ chức.
Đại diện 2 tổ chức thực hiện nghi thức ký thỏa thuận hợp tác.
Theo đó, hai bên thống nhất nguyên tắc hợp tác là phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Điều lệ Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở tôn trọng, hỗ trợ, cùng phát triển.
Cụ thể, VBF phối hợp với ALOV thực hiện chức năng giám sát và đóng góp ý kiến đối với việc thi hành và xây dựng chủ trương của Đảng, pháp luật và các quy định của Nhà nước liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ Ban điều hành Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho kiều bào và Ban Trợ giúp pháp lý của ALOV giải đáp các yêu cầu tìm hiểu về chủ trương, chính sách, luật pháp và các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động đầu tư về Việt Nam, các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản, quốc tịch, nhà ở, kinh doanh tại Việt Nam… Ngoài ra, thực hiện các vụ việc cụ thể cho những người có nhu cầu đầu tư theo sự hướng dẫn, giới thiệu của ALOV.
ALOV phối hợp với VBF thiết lập kênh thông tin về tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam đến người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Gặp gỡ, trao đổi với người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài để tiếp nhận thông tin, nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Bên cạnh đó, giới thiệu các nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu được cung cấp dịch vụ.
Định kỳ hằng năm, VBF và ALOV tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận; kết thúc giai đoạn tổ chức tổng kết để đề ra phương hướng hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
HOÀI THƯƠNG