/ Nhìn ra thế giới
/ Liên Hợp quốc và ICRC kêu gọi siết chặt kiểm soát robot sát thủ

Liên Hợp quốc và ICRC kêu gọi siết chặt kiểm soát robot sát thủ

07/10/2023 07:42 |

(LSVN) - Liên hợp quốc và ICRC cảnh báo robot sát thủ có khả năng “lựa chọn và ngắm mục tiêu” mà không có sự kiểm soát của con người, đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về nhân đạo, pháp lý, đạo đức và an ninh.

Việc sử dụng robot sát thủ có nguy cơ làm leo thang bạo lực và gây bất ổn trên toàn cầu. Nguồn: News Room.

Ngày 05/10, Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã kêu gọi ngay lập tức thiết lập các quy tắc quốc tế mới nhằm bảo vệ nhân loại khỏi những “hậu quả khủng khiếp” của vũ khí tự động.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chủ tịch ICRC Mirjana Spoljaric cho rằng việc giải quyết vấn đề sử dụng vũ khí tự động, còn gọi là robot sát thủ, cần là một trong những “ưu tiên nhân đạo” trên toàn cầu.

Hai quan chức này kêu gọi các quốc gia đến năm 2026 ban hành lệnh cấm và hạn chế việc sử dụng vũ khí tự động để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai trước hậu quả của những vũ khí sát thương này.

Ông Guterres và bà Spoljaric nhấn mạnh: “Trong bối cảnh an ninh hiện nay, việc thiết lập các lằn ranh đỏ trên toàn cầu sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc và ICRC cảnh báo các hệ thống vũ khí tự động có khả năng “lựa chọn và ngắm mục tiêu” mà không có sự kiểm soát của con người, đặt ra những lo ngại nghiêm trọng về nhân đạo, pháp lý, đạo đức và an ninh.

Việc phát triển và sử dụng những vũ khí này có nguy cơ làm leo thang bạo lực và gây bất ổn trên toàn cầu.

Cũng theo hai quan chức này, mối lo ngại liên quan đến vũ khí tự động càng trở nên nghiêm trọng khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được tích hợp vào vũ khí tự động, khiến loại vũ khí này trở nên ngày càng phổ biến và hiện đại hơn.

Tổng Thư ký Guterres và Chủ tịch Spoljaric kêu gọi cấm các hệ thống vũ khí tự động nguy hiểm được phát triển bằng công nghệ mới như các vũ khí tự động được điều khiển bằng thuật toán học máy.

Họ cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới khởi động các cuộc đàm phán về một công cụ ràng buộc pháp lý mới nhằm đặt ra các lệnh cấm và hạn chế rõ ràng đối với các hệ thống vũ khí tự động và tiến tới hoàn tất các cuộc đàm phán vào năm 2026.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang đầu tư lớn cho việc phát triển các vũ khí tự động hoạt động trên không, trên biển và trên bộ.

Dù hoạt động này chưa thực sự bùng nổ nhưng nhiều nước khác cũng đang bắt đầu nghiên cứu phát triển những loại vũ khí này.

Trong khi đó, ngày càng nhiều nước cùng nhận thức trách nhiệm hành động ngăn chặn hoàn toàn các loại vũ khí tự động.

Các chính phủ đã bày tỏ quan ngại về việc đưa những loại máy móc tự động vào các cuộc xung đột, sát hại con người và mong muốn đảm bảo con người có quyền kiểm soát chúng.

Các cuộc thảo luận về vũ khí tự động đã diễn ra trong những năm gần đây tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng kết quả vẫn chưa dẫn tới việc tổ chức các cuộc đàm phán nghiêm túc về vấn đề này.

PHAN AN/TTXVN

Tài khoản Telegram của Tổng thống Israel bị tin tặc tấn công

Nguyễn Hoàng Lâm