/ Luật sư trực ban
/ Livestream thế nào cho đúng?

Livestream thế nào cho đúng?

19/11/2021 03:57 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng ngày 14/11/2021 đang bị Bộ TT&TT kiến nghị xử lý là hành vi có tính chất nghiêm trọng, cần có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng nhằm xử lý nhanh chóng và dứt điểm để tránh những tiền lệ xấu tiếp diễn.

Bà Phương Hằng phát trực tuyến ngày 14/11. Ảnh: Cắt từ clip.

Vừa qua, việc Cục PT-TH&TTĐT thuộc Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu Sở TT&TT tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng liên quan buổi phát trực tuyến (livestream) của bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc khu du lịch Đại Nam đang nhận được rất nhiều sự chú ý đến từ dư luận.

Cụ thể, theo Cục PT-TH&TTĐT, qua theo dõi, nắm bắt tình hình trên mạng và tiếp nhận thông tin từ báo chí, cục nhận thấy ngày 14/11, bà Phương Hằng đã tổ chức buổi "gặp gỡ và giao lưu khán giả" tại khu du lịch Đại Nam, được phát trực tuyến trên mạng qua nhiều kênh mạng xã hội như: Facebook, YouTube...

Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự buổi livestream có nội dung cho rằng "Báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng".

Cục PT-TH&TTĐT - Bộ TT&TT nhận thấy "nội dung phát ngôn nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam".

Vì vậy, Cục PT-TH&TTĐT đã yêu cầu Sở TT&TT tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến vụ việc trên và báo cáo trước ngày 30/11.

Livestream thế nào cho đúng?

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để Livestream thế nào là đúng quy định pháp luật cần phải bảo đảm những yếu tố: Thứ nhất, ngôn từ trong quá trình livestream, mọi cá nhân có quyền tự do ngôn luận nhưng tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ không đồng nghĩa với tự do xúc phạm người khác, không được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Phải sử dụng ngôn từ một cách văn minh, lịch sự, phù hợp với mục đích buổi livestream trò chuyện.

Thứ hai, nội dung livestream trực tiếp là gì, có ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức nào hay không, có vi phạm pháp luật không.

Thứ ba, mục đích việc livestream trực tuyến phải xác định rõ ràng và mục đích phải chắc chắn rằng không ảnh hưởng người khác, hay cản trở một vấn đề nào đó là điều tối thiểu chủ thể tiến hành livestream cần chú ý, nếu tuyên truyền vấn đề tốt thì được tuyên dương nhưng nếu tuyên truyền những vấn đề xấu thì đó lại là một mối hiểm họa. Cuối cùng là hình thức thể hiện cuộc live trực tuyến đó như thế nào, phải cân nhắc và hết sức cẩn trong trước khi livestream.

Xử lý thế nào?

Về vấn đề hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? Luật sư cho hay, hành vi này đã được pháp luật điều chỉnh và quy định các chế tài xử lý.

Cụ thể, tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Tại Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Do đó, Luật sư cho rằng, hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ bị xử lý theo quy định này.

Ngoài ra, các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội cũng có thể tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau mà chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 hoặc điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ.

Đồng thời, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 tội “Làm nhục người khác”, Điều 156 tội “Vu khống” của Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 288 tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị xâm phạm do hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể vi phạm gây ra theo quy định tại Điều 592 “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng ngày 14/11/2021 đang bị Bộ TT&TT kiến nghị xử lý là hành vi có tính chất nghiêm trọng, cần có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng nhằm xử lý nhanh chóng và dứt điểm để tránh những tiền lệ xấu tiếp diễn.

Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng cũng từng bị Sở TP. Hồ Chí Minh quyết định xử phạt vi phạm hành chính (mức phạt 7,5 triệu đồng) do có hành vi cung cấp sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vi phạm khoản d, điểm 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

“Qua sự việc này, các chủ thể tiến hành buổi livestream cần hết sức cẩn trọng, bản thân cần có kế hoạch livestream trao đổi rõ ràng, mục đích livestream để tránh vi phạm pháp luật nhưng bản thân không hề biết do sử dụng lời lẽ, ngôn từ, hình ảnh không phù hợp khi livestream”, Luật sư bày tỏ quan điểm.

TRẦN VŨ

Buổi livestream của bà Phương Hằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Admin