(LSO) – Đống bùn đất cao chót vót chuẩn bị ập xuống, mọi người hét lên “chạy, chạy” trước khi những người ở dưới chân đồi biến mất mãi mãi. Nạn nhân thường đến từ các cộng đồng nghèo khó, những người liều mạng săn lùng những viên ngọc quý, giá trị của chúng được tính bằng máu.
Mỏ ngọc bích Myanmar có thể mang lại sự giàu có nhưng nó cũng để lại một hàng dài những xác chết.
Khi đất đổ sụp xuống, gần như mỗi ngày trên những ngọn đồi ngọc bích của Myanmar, Ye Min Naing đang rảo bước trên một sườn dốc đầy đá cuội. Đó là một đêm mưa cuối cùng của một đợt gió mùa. Một chiếc xe tải có bánh xe to bằng chiều cao của một người đàn ông vừa đổ đống đá to tướng dưới rìa đồi cho hàng trăm người tìm kiếm, tranh giành nhau với hy vọng tìm thấy một mảnh ngọc quý.
Ye Min Naing đã nghe thấy tiếng lở đất trước khi anh ta nhìn thấy nó, một âm thanh trầm vang lên lạnh xương và đột ngột như tiếng sấm. Ngay sau đó, một người bạn làm việc gần anh ta bị nuốt chửng bởi cơn thịnh nộ của trái đất. Ye Min Naing cũng bị chôn vùi. “Đến đây”, người thanh niên 28 tuổi nói, và làm một động tác như chém vào cổ của mình.
Bằng cách nào đó, những người khai thác những viên đá mắt mèo đã kéo được anh ta ra ngoài, cùng với một thanh niên 19 tuổi khác bị tê liệt hoàn toàn bởi tai nạn. Ba người, Ye Min Naing nghĩ, đã chết, nhưng ai thực sự biết?. Giống như nhiều cái chết trong các mỏ của thị trấn Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar, vụ tai nạn này không bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Không có cái xác nào được tìm thấy. Hầu hết những người khai thác tự do ở những ngọn đồi, nơi sản sinh gần như mọi mảnh ngọc đẹp và tốt nhất thế giới, là những người di cư nghiện ma túy, xa lạ với nhau và không gia đình. Hàng tháng kể từ vụ lở đất đá tại hẻm Sawar, nơi Ye Min Naing vẫn hàng ngày đào bới, vẫn đông nghẹt người và ngày càng trở nên nguy hiểm. “Chúng tôi không biết liệu ai sẽ lại bị chôn vùi ở đó”, anh nói.
Con người và ngọc quý tồn tại cùng nhau trong giá trị nghịch đảo ở chân những ngọn núi thuộc dãy Hymalaya của bang Kachin, Myanmar nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vàng có giá nhưng ngọc bích là vô giá. Ngọc bích thuộc dòng đá cẩm thạch, và cẩm thạch là tên gọi chung của ngọc bích và ngọc cẩm thạch hay còn có cái tên mĩ miều hơn là ngọc phỉ thúy.
Trong suốt hàng nghìn năm, ngọc bích là một trong những loại đá quý được thèm muốn nhất trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và sức mua ngày càng tăng thúc đẩy ngành khai thác. Khoảng 300.000 đang người tìm vận may, những người sàng lọc các mảnh vụn còn lại sau các hoạt động khai thác quy mô, họ là những người di cư có cuộc sống bị đe dọa bởi lở đất, nghiện ma túy và bệnh tật.
Viên ngọc quý khai thác được có thể phân tán bởi một mạng lưới dày đặc như các công ty liên kết với nhà nước, các công ty nước ngoài, các công ty thuộc sở hữu của phiến quân dân tộc và các ông trùm ma túy. Hòn đá của thiên đường, như được đặt tên bởi những người sở hữu, dường như đang thúc đẩy cuộc nội chiến giữa quân đội chính phủ và quân du kích Kachin tìm cách tự trị. Ngọc xuất hiện trong nhiều màu sắc, từ sắc màu tím của hoa Tử La Lan, tức hoa Violet, mà giới châu báu thường gọi là màu của “Xuân” hay “Xuân sắc” đến sắc thuần khiết, sáng ngời, xanh nhẹ được sánh với “rêu trong tuyết”. Nhưng, đối với người dân Myanmar, nó bị vấy bẩn, hầu hết, bằng máu.
Rất ít quốc gia trên thế giới, nền kinh tế của đất nước bị ràng buộc với một nguồn lực. Một cơ quan giám sát quốc tế theo dõi khai thác tài nguyên thiên nhiên ước tính rằng giao dịch thương mại ngọc bích của Myanmar có giá trị lên tới 31 tỷ USD vào năm 2014, gần một nửa GDP của quốc gia năm đó. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là con số hoàn toàn đúng. Người dân tộc Kachin, những người sinh ra từ những ngọn đồi ngọc bích, vẫn kiểm soát một số mỏ. Trước đó, vào những năm 1990, quân đội Kachin độc lập, một trong những nhóm vũ trang sắc tộc đấu tranh với chính phủ ở biên giới Myanmar, đã mất quyền kiểm soát lãnh thổ xung quanh Hpakant.
Ngày nay, hầu hết các mỏ lớn thuộc về các công ty thuộc về hoặc có kết nối với giới tinh hoa quân đội Myanmar. Ngay cả khi đất nước đã chuyển từ năm thập kỷ cai trị quân sự sang chính quyền bán dân sự, ngọc bích đã chứng minh giới hạn của quản trị dân chủ. Hầu hết các viên đá được buôn lậu qua biên giới sang nước láng giềng Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ phải chịu thuế cần thiết để bổ sung cho kho bạc nhà nước tại một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.
Xung đột kim cương đã được thế giới biết đến từ lâu, thậm chí trở thành kịch bản cho các bộ phim Hollywood hay lời của bài Rap, ngọc bích đã thoát khỏi sự quan sát quốc tế. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích và hồng ngọc của Myanmar, vốn được đưa ra vì sự không kiểm soát được ngành thương mại đá quý. Sự bãi bỏ dường như có ngay sau những cải cách chính trị đã đưa cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2016. Tuy nhiên ngành khai thác và thương mại đá quý vẫn còn đầy rẫy những bất ổn.
Mặc dù chính phủ Myanmar đã ký kết một sáng kiến minh bạch toàn cầu cho các ngành khai thác, nhưng thực tế ở Kachin vẫn ảm đạm. Lo ngại rằng chính quyền có thể sớm thực thi các tiêu chuẩn an toàn và các quy định chống tham nhũng chỉ làm gia tăng cuộc đua khai thác kho báu. “Họ đang đào, rất nhanh, đến nỗi ngọc sẽ biến mất sau 20 năm nữa”, một chủ mỏ nhỏ cho biết, “Thậm chí chỉ trong 10 năm”.
Các mỏ ngọc bích tốt nhất thế giới hoạt động không ngừng nghỉ, từ phía xa quang cảnh Hpakant trông giống như phối cảnh giữa một tổ kiến khổng lồ và khung cảnh điêu tàn trên bề mặt của mặt trăng. Hàng trăm con người như những con côn trùng nhỏ bé bám trên sườn đồi một cách cần mẫn, nếu tiến gần hơn có thể thấy phần lớn họ là đàn ông. Máy đào sâu, máy xúc và xe tải khổng lồ di chuyển qua một cảnh quan mặt trăng như những cỗ máy từ bên ngoài hành tinh.
Hpakant đã từng là lãnh địa của hổ và tán rừng xanh tươi. Nhưng giờ đây tất cả những gì có thể thấy là bụi và đất đá. Nơi mà những người khai thác đá quý từng đào bằng tay, bây giờ là bằng chất nổ và máy móc hạng nặng, chủ yếu là các thương hiệu nhập khẩu của Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, đang xé toạc rừng rậm, phá hủy toàn bộ quả đồi trong vài tháng. Hpakant gần như đã chết.
Tai nạn chết người là thường trực. Lớn nhất, một trận lở đất tháng 11 năm 2015 đã giết chết khoảng 200 người khai thác. Còn những vụ nhỏ hơn, hàng trăm người đã chết trong các vụ tai nạn khác nhau hàng năm. Nhưng người dân địa phương nói rằng con số thực lớn hơn nhiều lần. Và trên những ngọn đồi, quân đội chính phủ và phiến quân Kachin tiếp tục gây chiến. “Nếu không có đá quý, sẽ không có chiến tranh ở Kachin”, Yup Zaw Hkawng, một người dân tộc Kachin, người sở hữu những mỏ khai thác lớn trước khi quân đội chính phủ kiểm soát ở Hpakant nói, và “Chúng tôi đang sống và đang ngủ tại nơi có nhiều đá quý nhất trên trái đất, nhưng đá quý là lời nguyền của Kachin”.
LÊ HÙNG(còn nữa)