/ Đời sống - Xã hội
/ Lỗ hổng an ninh khi học trực tuyến qua phần mềm Zoom

Lỗ hổng an ninh khi học trực tuyến qua phần mềm Zoom

05/01/2021 18:02 |

(LSO) - Ứng dụng học trực tuyến Zoom đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Học sinh thì dùng Zoom để học từ xa, người lớn thì dùng Zoom để làm việc trực tuyến. Dù tiện lợi, nhưng nhiều quốc gia, tổ chức đang lên tiếng cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật thông qua ứng dụng này.

Nhóm kín thu hút nhiều thành viên đa phần là học sinh.

Người lạ vào "quấy phá" lớp khi học trực tuyến trên mạng Zoom

Sau thời gian triển khai học trực tuyến cho học sinh các cấp, rất nhiều rủi ro có thể gặp khi học tập qua mạng, thậm chí đến từ chính người dùng. Như vụ việc đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn học phần mềm Zoom hiện nay, đó là việc nhiều học sinh đã chia sẻ quyền truy cập lớp học của mình cho người lạ để họ vào "phá đám" lớp học của chính mình.

Để tham gia một lớp học trực tuyến trên Zoom, người dùng cần ID (mã số phòng) và mật khẩu. Tuy vậy, một số học sinh đã làm lộ những thông tin này trên nhiều group kín facebook. Có trường hợp còn cố tình kêu gọi người lạ vào phá lớp học.

Mới đây, một nữ giáo viên trên địa bàn TP. HCM vừa bắt đầu tiết dạy online trên phần mềm Zoom đã hoảng hốt khi phát hiện clip sex phát tán từ một tài khoản trong lớp học.

Dù nhiều thầy cô đã yêu cầu học sinh điền họ tên đầy đủ trong Zoom thì mới duyệt vào phòng, khóa mic của học sinh trong phòng học, khóa tính năng share màn hình của thành viên, nhưng vẫn có người lạ vào lớp học. Sau khi vào được lớp học, họ mở nhạc, video chửi bậy, nhiều trường hợp còn đổi tài khoản Zoom thành tên các nhân vật giang hồ mạng như Ngô Bá Khá, Huấn Hoa Hồng, Khánh Sky… rồi chửi bậy qua tin nhắn trong lớp học trực tuyến. Thậm chí còn mở clip sex lên gây ảnh hưởng đến lớp học. Nhiều thầy cô đã phải phát khóc trong chính lớp học của mình, bởi không thể kiểm soát được. Việc này khiến phụ huynh, học sinh cũng rất bức xúc, ảnh hưởng rất lớn tới công việc học tập.

Nhiều phụ huynh cho rằng, học trực tuyến với người lớn đã rất khó tập trung, huống hồ học sinh "đang tuổi ăn tuổi chơi". Giải pháp khó có thể đồng bộ được khi không có biện pháp kiểm soát được người học.

Ngày 13/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1247/BGDĐT-GDCTHSSV về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet.

Theo đó, để khắc phục hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây có thể được xem là giải pháp khắc phục được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, nhưng vẫn còn mang tính chung chung, chưa cụ thể. Ngoài chậm triển khai các giải pháp học tập trong đợt dịch Covid-19, thì các "lỗ hổng" về an ninh của phần mềm dạy trực tuyến được ngành giáo dục áp dụng vẫn chậm được khắc phục.

Các nước đối phó tình trạng lộ thông tin cá nhân qua Zoom

Ngày 28/3, Zoom đã phải cập nhật phiên bản mới trên iOS sau khi Motherboard phát hiện ứng dụng này gửi dữ liệu người dùng đến facebook ngay cả khi họ không có tài khoản của mạng xã hội này, trong khi chính sách về quyền riêng tư lại mập mờ, không nhắc đến.

Ngày 30/3, một vụ kiện tập thể cáo buộc Zoom để lộ dữ liệu cá nhân đã được đệ trình. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ trưởng Tư pháp New York đã gửi thư yêu cầu Zoom giải trình cách bảo mật dữ liệu trong bối cảnh lượng người dùng dịch vụ này tăng vọt.

Ngày 05/4, Sở Giáo dục TP. New York (Mỹ) đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng phần mềm Zoom vì lo ngại các cuộc tấn công vào an ninh và quyền riêng tư cá nhân mang tên "Zoombombing".

Bộ Giáo dục Singapore cũng thông báo vào ngày 09/4, các trường học không được sử dụng ứng dụng Zoom để giảng dạy vì vấn đề bảo mật và quyền riêng tư.

Trong thời gian qua, ứng dụng Zoom được nhiều đơn vị giáo dục Việt Nam sử dụng làm công cụ giáo dục trực tuyến. Trước nguy cơ về an toàn bảo mật thông tin của ứng dụng này, Bộ giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương, các trường tăng cường, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi học trực tuyến qua mạng Zoom.

THANH LOAN

/bo-tttt-khuyen-cao-khong-nen-dung-zoom-de-hop-truc-tuyen.html