/ Trợ giúp pháp lý
/ Lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW

Lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW

09/11/2023 06:35 |

(LSVN) - Ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết 27/NQ-TW 2018 có nêu rõ về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương cụ thể từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa.

Theo đó, nhằm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tại khoản 2, Mục 2.2, Phần II, Nghị quyết 27/NQ-TW 2018 đã quy định mục tiêu cụ thể về lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Đối với khu vực công

- Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp

- Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp;

- Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cải cách tiền lương là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, phải sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, đây là cải cách căn cơ chính sách tiền lương, không phải tăng lương bình thường định kỳ. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm cả nước có thể thực hiện chính sách tiền lương mới là từ 01/7/2024.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan hiện đang tích cực chuẩn bị về nguồn lực, thể chế, chính sách thang bảng lương... để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương.

QUÝ NGUYỄN

Trên 18 tuổi có được nhận làm con nuôi không?

Nguyễn Hoàng Lâm