Lô hàng có 117.600 liều vaccine đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều Astrazeneca đã ký với Bộ Y tế và Hệ thống tiêm chủng VNVC. Như vậy, ngoài 04 đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vaccine, Việt Nam chính thức có vaccine nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.
Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) vận chuyển lô hàng xuống máy bay. Trong quá trình chuyển xuống, lô hàng được áp tải rất nghiêm ngặt bằng camera hành trình giám sát tất cả các công đoạn. Sau đó sẽ vận chuyển qua kho hàng để bảo quản và chờ làm thủ tục xuất hàng.
Trong sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên. Ông cho biết, Việt Nam và Thái Lan là 02 nước đầu tiên của ASEAN nhận được lô vaccine này.
Đại diện Chính phủ và Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường phát biểu: “Lô vaccine đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực, chủ động của Hệ thống tiêm chủng VNVC và Công ty AstraZeneca đã sớm tiến hành các thỏa thuận đặt mua vắc xin ngay từ giai đoạn rất sớm, khi còn trong quá trình nghiên cứu phát triển vaccine, từ đó Việt Nam sớm có lô vaccine này.
Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập các vaccine phòng Covid-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vaccine nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên".
Được biết, lô vaccine Covid-19 này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất.
Theo đơn vị nhập khẩu, vaccine Covid-19 của Astrazeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ 02 đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 01, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Covid-19 Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên.
Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỉ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.
Vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (02-08oC) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Lô vaccine này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Để bảo đảm tiếp cận rộng rãi và bình đẳng với vaccine, trong năm 2020, AstraZeneca đã xây dựng hơn 10 chuỗi cung ứng tầm khu vực, vận dụng năng lực của chính công ty và phối hợp với hơn 20 đối tác để đẩy mạnh quá trình sản xuất và cung ứng vaccine.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vaccine trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19", (COVAX).
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, hướng dẫn này nêu rõ có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cụ thể: - Nhân viên y tế - Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...) - Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh - Lực lượng Quân đội - Lực lượng Công an - Giáo viên - Người trên 65 tuổi - Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước... - Người mắc các bệnh mãn tính - Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài - Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. |
TRẦN MINH