/ Bút ký Luật sư
/ Lời nói ‘cuối cùng’ của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - Lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp

Lời nói ‘cuối cùng’ của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - Lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp

10/04/2022 02:59 |

(LSVN) - "Vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật để không xảy ra các vụ án tương tự trong tương lai. Nhân được nói “lời cuối cùng”, cho bị cáo được cúi đầu xin lỗi trước lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chính quyền, Đảng bộ nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì sự lầm lỗi, không hoàn thành nhiệm vụ và sự tin cậy đã dành cho bị cáo", ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trình bày lời nói sau cùng tại tòa.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trình bày lời nói sau cùng tại tòa.

Đây là lời sau cùng của bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) vào chiều 08/4 sau khi kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử về tội "Vi phạm các quy định pháp luật về quản lý đất đai" xảy ra tại 2 dự án trên núi Chín Khúc ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chiều 13/4/2022, vào lúc 14h Hội đồng xét xử sẽ tuyên án. 

Cụ thể, toàn văn lời nói sau cùng của bị cáo Nguyễn Chiến Thắng (cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) như sau:

“Kính thưa Hội đồng xét xử,

Thưa đại diện Viện Kiểm sát

Bị cáo xin cảm ơn Hội đồng xét xử cho phép nói lời nói “cuối cùng“[1] trước khi Hội đồng xét xử vào phần nghị án. Kể từ thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam đến nay đã tròn 10 tháng, đó cũng chính là khoảng thời gian bị cáo dằn vặt suy nghĩ, tự vấn để cố gắng lý giải vì sao số phận của mình lại bước sang một ngã rẽ bi thảm như hiện nay?

Những ngày diễn ra tại phiên tòa vừa qua, với sự điều hành dân chủ, thẩm tra công khai các chứng cứ tại phiên tòa, bị cáo nhận thức một cách rõ ràng hơn và tự tìm ra câu trả lời cho những sai phạm của mình. Để có được sự thành tâm, thanh thản nhìn nhận sai phạm không chỉ ngay từ khi bị bắt tạm giam đến nay, bên cạnh sự động viên, quan tâm về thái độ nhân văn của các Điều tra viên, Kiểm sát viên của Hội đồng xét xử, còn có sự chăm sóc của các cán bộ trong Trại tạm giam Công an tỉnh và sự hỗ trợ tận tâm của các luật sư bào chữa cho bị cáo trong suốt thời gian qua. Bị cáo và gia đình vô cùng cảm ơn.

Kính thưa Hội đồng xét xử.

Về phần mình, cùng với sự nhìn nhận của bản thân và chịu trách nhiệm về những sai phạm theo quy buộc của cáo trạng, bị cáo tha thiết kính mong Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo các ý kiến bào chữa của các Luật sư, từ đó đánh giá một cách công tâm và quyết định hình phạt khoan hồng đối với bị cáo, đồng thời giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành trong vụ án này.

Bản thân bị cáo kính mong Hội đồng xét xử ghi nhận khi đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, bị cáo đã cảm nhận được nhiều thách thức, đồng nghĩa với sự gánh chịu những rủi ro. Tuy nhiên, liên quan đến Dự án này, cá nhân bị cáo cùng  tập thể Thường trực UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2011-2015 thật sự mong muốn và tâm huyết dành nhiều thời gian công tác để làm thế nào triển khai thành công với mục tiêu tốt đẹp đã đề ra, hoàn toàn không xuất phát từ động cơ vụ lợi cá nhân. Điều khiến bị cáo càm thấy đau đớn xót xa nhất khi nhiều cán bộ đều xuất thân từ các gia đình cách mạng, có kiến thức và kinh nghiệm quản lý, có những đóng góp nhất định cho tỉnh Khánh Hòa, nay phải đứng trước sự phán xét của Hội đồng xét xử.

Bị cáo cùng nhiều bị cáo khác trong vụ án này có nguyện vọng mong được Hội đồng xét xử xem xét nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, những bất cập trong các quy định của pháp luật về đất đai, về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng và theo kịp với thực tiễn đời sống.

Qua phân tích của Hội đồng xét xử, bị cáo cho rằng vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật để không xảy ra các vụ án tương tự trong tương lai.

Nhân được nói "lời cuối cùng", cho bị cáo được cúi đầu xin lỗi trước lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chính quyền, Đảng bộ nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì sự lầm lỗi, không hoàn thành nhiệm vụ và sự tin cậy đã dành cho bị cáo.

Bị cáo cũng xin lỗi vợ và các con vì đã không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình đã khiến vợ, con, cháu buồn phiền, lo lắng suốt thời gian qua và chặng đường vô cùng khó khăn sắp tới.

Cho phép  bị cáo được trân trọng cảm ơn sự lắng nghe thấu hiểu và mong muốn nhận được một bản án nhân đạo có lý có tình, thể hiện được tính chất nhân đạo và chính sách khoan hồng của Hội đồng xét xử.

Xin thành thật cám ơn".

[1] Khi nói lời nói sau cùng tại phiên tòa này, các bị cáo đã nói nhầm thành "Lời nói cuối cùng”.

Quyền nói lời sau cùng

Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo có quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án (điểm k , Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ).

Điều 324 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định sau khi tuyên bố kết thúc phần tranh luận, trước khi vào nghị án, Chủ tọa phiên tòa cho bị cáo nói lời sau cùng.

Nếu trong lời nói sau cùng bị cáo trình bày thêm những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án mà chưa được làm rõ thì HĐXX quyết định trở lại xét hỏi để làm rõ.

Sau khi bị cáo trình bày xong lời nói sau cùng, Chủ tọa tuyên bố nghỉ để vào nghị án.

ĐẠI HƯNG

Người lao động được nghỉ thế nào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5?

Lê Minh Hoàng