Ảnh minh họa.
Cục An toàn thông tin cũng cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu nhắm vào các nhóm đối tượng, như người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ tới 19 hình thức lừa đảo…
Trong đó, những hình thức dẫn dụ lừa đảo phổ biến trên không gian mạng nhắm vào đối tượng người cao tuổi gồm:Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ", lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…), phát tán tin nhắn lừa đảo giả mạo Brandname. giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo, lừa đảo bán hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng, lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng
11. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook, lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm…, rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook, lừa đảo cho số đánh đề, lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền,...
Nhiều chuyên gia an ninh mạng cho rằng, người cao tuổi hiện là đối tượng yếu thế khi tham gia vào không gian mạng. Do vậy, đối tượng này rất cần được tăng cường các giải pháp bảo vệ. Nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, 86% người già kết nối Internet không nghĩ mình là mục tiêu của tội phạm mạng và không tự bảo vệ mình đúng cách. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ.
Tại Việt Nam, khuyến cáo của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thôngthời gian qua cũng cho thấy, người cao tuổi đang là đối tượng, mục tiêu "tấn công" chủ yếu của tội phạm mạng.
Vì vậy, để tránh "bẫy" lừa đảo trực tuyến, người già cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên mạng, tránh kết bạn với người lạ, không chuyển tiền và thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai trên mạng; với những vấn đề chưa có sự hiểu biết thấu đáo, cần tham khảo thêm ý kiến của con cái và các thành viên trong gia đình trước khi đưa ra quyết định.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" từ ngày 23/6 đến ngày 23/7 nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.
Theo đó, Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" sẽ được triển khai trên diện rộng, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ Cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Trong cẩm nang, người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nhận biết, cũng như cách phòng tránh với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, như: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ", lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, lừa đảo tuyển cộng tác viên online, đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng, rao bán hàng giả và hàng nhái qua sàn thương mại điện tử, phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu, lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền, lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook…
PHƯƠNG HOA