/ Tin thế giới
/ Luật bảo tồn sông Dương Tử của Trung Quốc chính thức có hiệu lực

Luật bảo tồn sông Dương Tử của Trung Quốc chính thức có hiệu lực

01/03/2021 13:39 |

(LSVN) - Từ ngày 01/3, Luật bảo tồn sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nỗ lực bảo vệ con sông dài nhất quốc gia này.

Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử). Ảnh minh họa: THX/TTXVN.

Với 96 điều khoản trong 9 chương, đây là đạo luật đầu tiên của Trung Quốc về việc bảo tồn một lưu vực sông cụ thể. Đạo luật quy định việc tăng cường giám sát, cũng như ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ở lưu vực sông Dương Tử. Theo đạo luật, để đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội của lưu vực sông Dương Tử, Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy việc bảo tồn môi trường có sự phối hợp tốt và ngăn chặn việc khai thác quá mức, đồng thời ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái.

Đạo luật cũng cấm việc đánh bắt cá vì mục đích thu lợi tại các khu bảo tồn sinh vật thủy sinh của lưu vực sông Dương Tử. Ngoài ra, trong thời hạn do nhà nước quy định, việc đánh bắt cá vì mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên bị cấm ở khu vực chính của Dương Tử bao gồm sông chính, các nhánh sông chính, các hồ và các khu vực cửa sông cụ thể. Các nỗ lực thực thi pháp luật chung cũng sẽ được thực hiện để giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép.

Trước đó, đạo luật được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua ngày 26/12/2020.

Với chiều dài hơn 6.300 km, lưu vực sông Dương Tử sở hữu sự đa dạng sinh học phong phú cùng nguồn tài nguyên khoáng sản và nguồn nước. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt cá quá mức và tình trạng ô nhiễm từ lâu đã đe dọa các loài thực vật thủy sinh và làm cạn kiệt nguồn cá.

Kể từ ngày 01/01/2020, Trung Quốc đã chính thực thực thi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại các khu vực chủ chốt trên sông Dương Tử nhằm bảo vệ đa dạng sinh học tại con sông dài nhất quốc gia này.

QUANG HUY/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Modi tiêm mũi vaccine Covid-19 nội địa đầu tiên

Lê Minh Hoàng