Ảnh minh họa.
Theo Quy tắc 8, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam Việt Nam quy định: “Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ mức thù lao.
Điều 26 Luật Luật sư quy định về thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản. Phương thức tính và mức thù lao cụ thể, các khoản chi phí (nếu có)”.
Các căn cứ tính thù lao được quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư bao gồm:
- Tính chất, mức độ đơn giản hay phức tạp của công việc cần giải quyết;
- Thời gian của Luật sư (hoặc một số Luật sư) bỏ ra để thực hiện công việc tính theo giờ;
- Kinh nghiệm và uy tín của Luật sư;
- Yêu cầu đặc biệt của khách hàng về trách nhiệm, hiệu quả công việc.
Trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ nội dung vụ việc và yêu cầu của khách hàng, đặc thù của công việc, Luật sư thỏa thuận với khách hàng áp dụng một trong các cách tính thù lao sau đây:
Thời gian tính theo giờ làm việc hoặc theo buổi làm việc
Cách tính này phù hợp với công việc tư vấn pháp luật mà Luật sư và khách hàng đều không biết có khối lượng công việc phải làm cũng như thời gian cụ thể như thế nào. Tuy nhiên cách tính này có thể khiến khách hàng rơi vào thế bị động khi họ không thể dự tính được số tiền phải trả cho Luật sư là bao nhiêu hoặc đôi khi khách hàng sẽ không hài lòng với cách tiêu tốn thời gian của Luật sư cho công việc của họ. Vì vậy, trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể đưa ra mức phí trần cho vụ việc để khi số tiền phí theo giờ đạt tới mức tối đa thì bên cung cấp dịch vụ sẽ không tính thêm thù lao nữa.
Thù lao trọn gói theo vụ việc
Đây là cách tính được nhiều khách hàng và Luật sư lựa chọn vì dễ thanh toán và khách hàng cũng không phải lo lắng số tiền thù lao phải trả cho Luật sư quá mức dự tính. Theo đó, khách hàng sẽ giao trọn gói vụ việc cho Luật sư và thù lao sẽ được trả dựa trên công việc được hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc, đôi khi sẽ có những vấn đề phát sinh, nên nếu chỉ dựa vào các tình tiết ban đầu để đưa ra mức phí có thể sẽ bất cập cho Luật sư. Vậy nên, trong trường hợp cần thiết, Luật sư nên đưa chi phí trọn gói nhưng kèm một số điều kiện giả định mà nếu điều kiện giả định đó xảy ra thì khách hàng sẽ thanh toán thêm chi phí cho Luật sư.
Thù lao cố định
Cách tính thù lao này thường được áp dụng cho các công việc pháp lý có liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Đối với loại hình này, Luật sư sẽ ước lượng các loại công việc phải làm, thời gian hoàn thành công việc để tính toán mức thù lao công việc mà khách hàng phải thanh toán. Tuy nhiên, cũng giống như cách tính thù lao trọn gói theo vụ việc thì trong trường hợp lấy thù lao cố định thì Luật sư cũng phải dự phòng các tình huống mà công việc vượt quá khoảng thời gian theo hợp đồng để thỏa thuận một khoản thù lao ngoài thù lao cố định.
Ví dụ, hợp đồng tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp là 20 triệu đồng/tháng cho khoảng thời gian mười lăm giờ làm việc của Luật sư với những việc được thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh các vấn đề kiện tụng cần sự tư vấn của Luật sư hoặc cần Luật sư hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tố tụng thì Luật sư và doanh nghiệp có thể thỏa thuận các chi phí phát sinh khi Luật sư tham gia tố tụng.
Thù lao Luật sư dựa trên giá trị phần trăm kết quả đạt được
Hình thức tính thù lao này thường được áp dụng cho các công việc pháp lý của khách hàng liên quan đến tranh chấp hợp đồng hay đòi nợ.
Trên thực tế, thù lao của Luật sư được tính theo cách kết hợp của hai hay nhiều cách tính thù lao được nói ở trên. Ngoài tiền thù lao của Luật sư thì trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, tổ chức hành nghề Luật sư sẽ có thể tốn chi phí liên quan đến công việc được giao. Các chi phí phát sinh cho công việc của khách hàng thường liên quan đến: Chi phí đi lại, lưu trú, liên hệ công tác, chi phí văn phòng đảm bảo các hoạt động liên quan đến công việc của khách hàng như điện thoại, photocopy giấy tờ,… Chi phí đi lại, sinh hoạt, lưu trú của Luật sư để thực hiện công việc cho khách hàng gồm vé máy bay, tiền khách sạn,… Phí và lệ phí nhà nước như lệ phí cấp phép, các khoản tạm ứng án phí, án phí, lệ phí,…
Thù lao Luật sư phải được quy định cụ thể đã bao gồm các chi phí gì, có bao gồm thuế VAT hay không để tránh tranh chấp về sau. Việc thanh toán thù lao Luật sư và các chi phí phát sinh có liên quan được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
THIÊN AN
Luật sư không được sử dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư để mưu cầu lợi ích