Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp

23/06/2018 17:04 | 5 năm trước

LSVNO - Bài viết này nhằm mục đích điểm lại một số vấn đề về thực trạng quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để góp phần bổ s...

LSVNO - Bài viết này nhằm mục đích điểm lại một số vấn đề về thực trạng quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để góp phần bổ sung, sửa đổi bộ Quy tắc cho phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các hành vi đạo đức trong quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp. Nội dung xoay quanh ba vấn đề cơ bản sau đây:

Quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp xuất phát từ việc bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp

Bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp là nghĩa vụ đạo đức của mỗi luật sư, bởi địa vị của các luật sư trong mối quan hệ đồng nghiệp là hoàn toàn bình đẳng. Danh dự, uy tín của đồng nghiệp cũng có giá trị như danh dự và uy tín của bản thân luật sư, không có sự phân biệt cao hay thấp, ít hay nhiều, quan trọng hay không quan trọng. Việc phân công luật sư giữ các chức vụ nhất định trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp chỉ có sự khác nhau trong công việc chung mang tính chất hành chính, không có sự phân biệt về đạo đức, danh dự, uy tín giữa ông Chủ tịch Liên đoàn với từng luật sư thành viên.

Luật sư bảo vệ danh dự, uy tín cho đồng nghiệp cũng là bảo vệ danh dự, uy tín cho bản thân mình. Khi một luật sư có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của đồng nghiệp cũng tức là làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của bản thân mình.

Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (Quy tắc) dành hẳn một chương (Chương III) để điều chỉnh quan hệ với đồng nghiệp. Khi điều chỉnh quan hệ này, Quy tắc có hai loại quy phạm đạo đức: quy phạm mang tính chất khuyến nghị các hành vi của luật sư ứng xử trong các tình huống nhất định và quy phạm mang tính chất cấm đoán (không được làm) trong quan hệ với đồng nghiệp.

Quy tắc hiện hành điều chỉnh nghĩa vụ này như thế nào?

- Quy tắc 15: “Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân mình; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội”.

Đây là quy định chung về nghĩa vụ đạo đức, ứng xử của luật sư, giải quyết mối quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp và giữa cá nhân luật sư với cả giới mình nhằm mục đích xây dựng hình ảnh người luật sư và giới luật sư trong cộng đồng xã hội.

Trên cơ sở quy tắc chung này, các luật sư có nghĩa vụ phải tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp, có ý thức giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư; không để tình đồng nghiệp bị chi phối bởi kết quả thắng-thua trong hành nghề hoặc các quan hệ xã hội khác làm ảnh hưởng xấu đến tình đoàn kết của giới luật sư… Quy tắc còn quy định thái độ ứng xử của luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp và vai trò hòa giải của đoàn luật sư trong trường hợp các luật sư có tranh chấp về quyền lợi để giữ gìn tình đoàn kết giữa các đồng nghiệp với nhau trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Quy tắc 16-19).

Đặc biệt, bộ Quy tắc còn dành hẳn một quy tắc riêng (Quy tắc 20) quy định “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp” như: không được xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; thực hiện những hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và Quy tắc đạo đức để gây bất lợi với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề; không được thông đồng với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính; không được tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đó; không được môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để đòi tiền hoa hồng; không được áp dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật khách hàng về cho mình.

Các luật sư bào chữa tại một phiên tòa. Ảnh minh họa.

Một số bất cập của Quy tắc trong việc điều chỉnh quan hệ của luật sư với đồng nghiệp

Hơn 06 năm qua kể từ khi được ban hành, bộ Quy tắc đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng với các đoàn luật sư thuộc 63 tỉnh thành trong cả nước triển khai quán triệt đến toàn bộ các luật sư thành viên với mục đích xây dựng hình ảnh người luật sư trong cộng đồng xã hội. Những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp đã được các luật sư tuân thủ và thực hiện trong quá trình hành nghề, trong sinh hoạt, lối sống đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của giới luật sư với thiên chức phụng sự công lý, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức theo tinh thần của Hiến pháp và Luật Luật sư.

Tuy nhiên trongquá trình thực hiện, bộ Quy tắc đã bộc lộ những bất cập về nội dung, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình hành nghề luật sư, trong đó có quan hệ đồng nghiệp, khiến cho việc giải quyết các tình huống phát sinh của các luật sư gặp những khó khăn nhất định. Trong trường hợp phải xử lý kỷ luật những hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, các đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư lại gặp những vướng mắc do chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong bộ Quy tắc.

Đó có thể là những bất cập sau đây:

- Quy định về thái độ ứng xử về đạo đức giữa luật sư với đồng nghiệp vẫn còn những quy định chung chung, chưa rõ ràng, quy định không phù hợp hoặc còn thiếu… Ví dụ:

+ Quy tắc 20.1 cấm luật sư “… thực hiện hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để gây bất lợi đối với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề”. Các cụm từ như: “các thủ thuật trái đạo đức”, “gây bất lợi đối với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình” vẫn là các quy định chung chung, chưa rõ nội hàm của các khái niệm này, dễ gây tranh luận trong xác định, đánh giá.

+ Quy tắc  20.3 cấm luật sư “Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp (nếu có) bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đó”. Vậy trong trường hợp luật sư trao đổi riêng mà kết quả trao đổi lại phù hợp với đạo đức và pháp luật, được khách hàng đối phương đồng ý thì sao? Trong trường hợp này, luật sư đồng nghiệp có quyền khiếu nại không?

+ Quy tắc 20.4 cấm luật sư “Môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để đòi tiền hoa hồng”. Vậy phải hiểu khái niệm “môi giới” là thế nào cho phù hợp? Trong khi Quy tắc lại có quy định tổ chức hành nghề được phép quảng cáo, giới thiệu chất lượng dịch vụ của mình với xã hội hoặc các biện pháp tiếp thị dịch vụ trên thị trường không trái với đạo đức xã hội.

+ Quy tắc 20.5 cấm luật sư “Áp dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật khách hàng” nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất trong phạm trù đạo đức về “cạnh tranh không lành mạnh” trong hành nghề luật sư mà chỉ thống kê 4 trường hợp về cạnh tranh không lành mạnh, ngoài những quy định của Luật Cạnh tranh. Ngay cả 04 trường hợp cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê trong Quy tắc 20.5  cũng chưa bảo đảm chặt chẽ, dễ gây hiểu lầm như thế nào là luật sư “chi phối quyền lựa chọn luật sư của khách hàng”, thế nào là “áp đặt hoặc cố tình chi phối” đối với đồng nghiệp có “quan hệ phụ thuộc với luật sư”?

+ Quy tắc 21.3 quy định “Trong hành nghề, luật sư không được sử dụng các chức danh khác của mình ngoài danh xưng luật sư để mưu cầu lợi ích trái pháp luật” cũng cần phải được làm rõ thế nào là “mưu cầu lợi ích trái pháp luật” trong việc luật sư sử dụng các chức danh khác trong hành nghề.

Một số quy định trùng lặp với các quy định của pháp luật, chưa làm rõ khía cạnh nghĩa vụ đạo đức của luật sư trong quan hệ với tổ chức xã hội - nghề nghiệp như: nghĩa vụ chấp hành điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy chế của Liên đoàn Luật sư, đoàn luật sư, các nội quy, quy định, quyết định của tổ chức hành nghề luật sư; nghĩa vụ bào chữa chỉ định, tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ và các sinh hoạt xã hội khác; nghĩa vụ nộp phí thành viên…

Quy tắc 22.2 quy định những điều luật sư hướng dẫn không được làm trong quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư như: không được phân biệt đối xử mang tính cá nhân đối với người tập sự hành nghề luật sư; lợi dụng tư cách luật sư hướng dẫn để buộc người tập sự hành nghề phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân của người hướng dẫn… cũng cần phải xem xét.

Trong quá trình thực hiện bộ Quy tắc, có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định những nghĩa vụ đạo đức của người tập sự hành nghề luật sư đối với luật sư hướng dẫn trong Quy tắc 22. Nhưng cũng có ý kiến phản biện rằng, Quy tắc chỉ điều chỉnh những nghĩa vụ đạo đức đối với luật sư chính thức, còn người tập sự hành nghề chưa có danh xưng luật sư nên không đưa điều này vào Quy tắc. Những ý kiến này rất cần được tham khảo, nghiên cứu để bổ sung trong quá trình thảo luận xây dựng bộ Quy tắc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Quan hệ giữa luật sư với đồng nghiệp trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng

Bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng là mục tiêu bao trùm các quan hệ nghề nghiệp của luật sư, trong đó có quan hệ luật sư với đồng nghiệp. Trong các mối quan hệ tố tụng (hoặc tư vấn pháp luật), với tư cách chủ thể tham gia, luật sư phải đặt vấn đề quyền và lợi ích của khách hàng là yếu tố cơ bản, nền tảng trong mối quan hệ với các chủ thể khác. Một nguyên tắc quan trọng làm kim chỉ nam cho luật sư trong hành nghề là: luật sư không được làm điều gì bất lợi hoặc xâm hại đến quyền và lợi ích của khách hàng. Các quy định của pháp luật cũng xuất phát từ nguyên tắc này khi xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý của luật sư trong các quan hệ mà luật sư là chủ thể tham gia. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hiện hành cũng xác định nguyên tắc này trong Quy tắc 3 “Bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng”: “Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng theo quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư”.

Trong quan hệ đồng nghiệp, các luật sư phải có sự thống nhất lấy mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng, không thể vì “tình đồng nghiệp” hẹp hòi mà làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích của khách hàng.

Luật sư phải tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ lợi ích cho khách hàng của luật sư đồng nghiệp cũng như nghĩa vụ của bản thân luật sư đối với lợi ích của khách hàng mình.

Nguyên tắc này thể hiện trong bộ Quy tắc như thế nào?

Trong Chương II “Quan hệ với khách hàng”, Quy tắc có những quy định thể hiện nguyên tắc này. Cụ thể như:

- Quy tắc 6.2 quy định luật sư phải “tôn trọng sự lựa chọn luật sư của khách hàng”, biết từ chối những vụ việc không thuộc chuyên môn của mình (Quy tắc 9.1.1). Điều này thể hiện trách nhiệm của luật sư với khách hàng và tôn trọng đồng nghiệp có khả năng chuyên môn, bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng của các luật sư đồng nghiệp khác.

- Khi quy định giải quyết các trường hợp xung đột về lợi ích, Quy tắc 11.2.3 quy định “Luật sư trong một tổ chức hành nghề không đồng thời nhận vụ việc của các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau” cũng xuất phát từ mục đích bảo vệ tình đồng nghiệp trong cùng một tổ chức hành nghề, tránh sự xung đột có thể xảy ra trong thực hiện tác nghiệp giữa các luật sư.

- Quy tắc 14.8 cấm luật sư “thuê người môi giới khách hàng để giành vụ việc cho mình” để hạn chế các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh trong quan hệ với đồng nghiệp.

- Quy tắc 14.10 cấm luật sư “cố ý làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình”; Quy tắc 14.11 cấm luật sư “cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng…” cũng là biện pháp bảo đảm quyền lựa chọn luật sư của khách hàng. Trong Chương III “Quan hệ với đồng nghiệp”, Quy tắc 16.3 cũng thể hiện nguyên tắc này: “Khi nhận vụ việc, nếu biết đã có đồng nghiệp nhận vụ việc này từ trước, luật sư tránh tác động để khách hàng lựa chọn mình…”.

Một số bất cập trong bộ Quy tắc hiện hành

Cũng tương tự như quy định việc bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp, vấn đề quan hệ đồng nghiệp trong việc bảo vệ lợi ích của khách hàng cũng chưa được thể hiện rõ trong bộ Quy tắc hiện hành như: vấn đề tôn trọng quyền lựa chọn luật sư của khách hàng; nguyên tắc bảo mật thông tin của khách hàng, vấn đề cạnh tranh nghề nghiệp, vấn đề tuyệt đối hóa lợi ích của khách hàng mình mà không tôn trọng lợi ích hợp pháp của khách hàng của luật sư đồng nghiệp...

Đó là những vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để tổng kết trong việc bổ sung, sửa đổi bộ Quy tắc cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Xử lý kỷ luật luật sư có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư trong ứng xử với đồng nghiệp

Có thể nói, trong quá trình thực hiện bộ Quy tắc, các luật sư đã có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của giới mình, tôn trọng và hợp tác, giữ gìn tình đồng nghiệp, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trong hành nghề. Những quy định về những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp cũng được các luật sư thực hiện tương đối tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn các hiện tượng luật sư vi phạm quy tắc đạo đức nói chung và trong quan hệ với đồng nghiệp nói riêng. Biểu hiện cụ thể như: chưa tôn trọng quyền lựa chọn luật sư của khách hàng, dùng những biện pháp quảng bá, làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng chuyên môn để khuyến khích hoặc lôi kéo khách hàng lựa chọn mình.

Biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quan hệ với đồng nghiệp thường là từ sự tự ái cá nhân, trong giao tiếp thiếu sự tôn trọng và hợp tác, từ sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động hành nghề để giành khách hàng; thậm chí có hiện tượng dùng các trang mạng cá nhân để xúc phạm danh dự, hạ thấp uy tín đồng nghiệp; hiện tượng môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để hưởng tiền hoa hồng; có hiện tượng sử dụng các chức danh khác ngoài chức danh luật sư trong hành nghề  để quảng bá; thiếu tôn trọng lãnh đạo đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư; chậm nộp phí thành viên theo quy định; ít tham gia các hoạt động và các công tác xã hội khác do đoàn luật sư tổ chức... Có trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp giữa luật sư với luật sư, Liên đoàn phải kiên trì hòa giải để bảo đảm sự đoàn kết nội bộ trong đoàn luật sư.

Những biểu hiện vi phạm trên đây đã bị khách hàng khiếu nại hoặc tố cáo, dẫn đến các đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư phải xử lý kỷ luật. Theo thống kê, chỉ tính hơn hai năm vừa qua, Liên đoàn nhận được 398 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Phần lớn các đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo luật sư vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, tranh chấp về thù lao giữa luật sư với khách hàng. Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với đoàn luật sư có liên quan để giải quyết các đơn, thư này. Từ tháng 5/2015 đến nay, các đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 25 luật sư do vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư; xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) là 27 luật sư.

Cho đến nay, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm kỷ luật luật sư được Liên đoàn Luật sư quy định trong 03 văn bản sau đây:

- Quy chế Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 93/QĐ-HĐLSTQ ngày 24/5/2010 của Hội đồng Luật sư toàn quốc;

- Quy chế Xử lý vi phạm đối với các cá nhân được bầu hoặc bổ nhiệm giữ chức danh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-BTV ngày 21/3/2011 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

- Quy định về Xử lý kỷ luật luật sư áp dụng cho các đoàn luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTV ngày 05/10/2012 của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

 Tuy nhiên, các văn bản này đã thể hiện có nhiều bất cập, thiếu sót cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa bảo đảm tính thống nhất trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật luật sư. Hiện nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai các cuộc hội thảo, trao đổi, tổng kết để ban hành một văn bản thống nhất cho việc điều chỉnh vấn đề này.

LS Nguyễn Minh Tâm