/ Dọc đường tố tụng
/ Luật sư và bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục phủ nhận cáo buộc của VKS

Luật sư và bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục phủ nhận cáo buộc của VKS

05/01/2021 18:16 |4 năm trước

(LSVN) - Ngày 21/12, tại Tòa án nhân dân (TAND) TP. HCM tiếp tục diễn ra phần tranh luận giữa Viện kiểm sát (VKS) và Luật sư trong vụ án sai phạm bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP. HCM.

Bị cáo Đinh La Thăng tại Tòa.

Ngày 21/12, TAND TP. HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (60 tuổi, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8/2011 - 02/2016), Nguyễn Hồng Trường (63 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, Út “trọc”, chủ Công ty Yên Khánh) trong hành vi sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng tiền thu phí.

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận lần 02 giữa đại diện Viện KSND TP. HCM và các Luật sư bào chữa cho thân chủ.

Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, các Luật sư một lần nữa đưa ra lập luận bị cáo Thăng không phạm tội. Trong đó, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu VKS sử dụng từ “ngoan cố” đối với bị cáo Thăng là không được, bởi bị cáo đang cố gắng chứng minh mình vô tội.

Các Luật sư đưa ra quan điểm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là việc luật đưa ra các quy định buộc bị cáo Thăng phải làm nhưng bị cáo không làm dẫn đến thất thoát. Nhưng 03 văn bản bị cáo Thăng ký, gồm văn bản 7331 gửi Thủ tướng chính phủ xin tiếp nhận lại đề án chuyển giao quyền thu phí là phù hợp. Bởi nhà đầu tư trước đó có văn bản trả lại; ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá là đúng với chức trách nhiệm vụ. Còn đấu giá như thế nào là do thứ trưởng chuyên trách phụ trách. Sau khi thứ trưởng có văn bản báo cáo việc Công ty Yên Khánh thanh toán không đúng hạn theo hợp đồng, bị cáo Thăng có bút phê chỉ đạo yêu cầu làm rõ cũng đúng trách nhiệm.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Đinh La Thăng trình bày: "Mong HĐXX xem xét khách quan. Tôi biết rất khó để VKS thay đổi cáo buộc của mình, nhưng tôi cần sự thật khách quan để cho những người bị cáo buộc phải tâm phục khẩu phục. Tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm cáo buộc của VKS nhưng tôi hoàn toàn bác bỏ cáo buộc đó".

Về quan điểm của VKS cho rằng bị cáo Thăng đóng vai trò chính, bị cáo này lập luận, "đó là suy đoán không có căn cứ, là quy chụp để buộc tội mà không dựa vào hồ sơ vụ án, diễn biến phiên tòa cũng như các luận cứ Luật sư nêu ra".

Về cáo buộc quen biết ông Hệ dẫn tới việc các bị cáo ở Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long cố ý làm trái, bị cáo Thăng nói: "Đề nghị VKS chỉ cụ thể ai trong số các bị cáo ở đây là người biết mối quan hệ đó, chịu tác động của tôi để cố ý làm trái các văn bản pháp luật?".

Về quyền sở hữu, sử dụng tài sản, bị cáo Thăng nói VKS có sự nhầm lẫn rất lớn, khi nói con đường của nhà nước nên tiền thu phí là của nhà nước. “Đúng là dự án của nhà nước. Nhưng dự án đã được thủ tướng đồng ý để Bộ GTVT chuyển giao quyền thu phí cho doanh nghiệp, thông qua hình thức đấu giá. Từ đó, nhà nước thu về một khoản tiền lớn để đầu tư dự án khác. Vì vậy tiền thu phí hợp pháp là của người trúng đấu giá”, bị cáo Đinh La Thăng trình bày và khẳng định “Quyền sở hữu tài sản là con đường vẫn của nhà nước nhưng khi đã chuyển nhượng quyền thu phí trong 05 năm cho người ta, thì tiền thu phí của doanh nghiệp. Còn sai phạm như thế nào thì xử lý theo đúng quy định”.

Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng cũng đề nghị HĐXX trưng cầu giám định hơn 725 tỉ đồng là của ai. Một lần nữa, bị cáo Đinh La Thăng trình bày sai phạm trong vụ án có chăng là sai phạm về trình tự, thủ tục, không gây ra hậu quả là thất thoát cho nhà nước. “Rất khó để VKS thay đổi lại các cáo buộc của mình nhưng tôi cần sự thật khách quan để tôi và những bị cáo khác tâm phục, khẩu phục”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Để chứng minh vai trò chính của bị cáo Đinh La Thăng và ông Thăng là tiền đề để Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng, đối đáp lại lần 02, VKS đưa ra các bút lục là lời khai của bị cáo Thăng, rằng “Việc triển khai dự án chuyển nhượng quyền thu phí, tôi phân công Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Quá trình thực hiện khi các thứ trưởng ký các văn bản chỉ đạo giải quyết công việc đều có gửi một bản cho tôi để báo cáo theo thủ tục hành chính, không phải ý kiến chỉ đạo”.

Theo VKS, lời khai trên của ông Thăng đã chứng minh bị cáo nắm được diễn biến, quá trình triển khai thực hiện đề án chuyển giao quyền thu phí.

Các lời khai khác thể hiện ông Thăng biết, chẳng hạn, tại cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Hồng Trường khai (có Luật sư tham gia): “Tôi triển khai thực hiện đề án này đều có sự kiểm tra giám sát của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đặc biệt tôi có sức ép rất lớn về tiến độ khi Bộ trưởng yêu cầu phải hoàn thành. Trong đề án này, Bộ trưởng có chỉ đạo với Tổng công ty Cửu Long”.

Cũng theo VKS, khi Công ty Yên Khánh chây ì, vi phạm nghĩa vụ thanh toán 2.004 tỉ đồng tiền trúng đấu giá quyền thu phí, ông Đinh La Thăng biết toàn bộ khi cấp dưới có văn bản thông báo.

Nhưng thay vì chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh theo thẩm quyền của Bộ trưởng, ông Thăng lại tỏ thái độ không đồng tình với Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) khi nói rằng “800 tỉ đồng chứ có ít đâu… cứ để họ từ từ nộp” – theo lời khai của bị cáo Minh; đồng thời bút phê “đồng ý…” vào tờ trình của Công ty Yên Khánh kiến nghị về việc giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 02 nút giao thông trên tuyến lưới Tân Tạo – Chợ Đệm đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương và đề xuất phần chi phí cho Công ty Yên Khánh đầu tư xây dựng 02 nút giao sẽ được khấu trừ vào số tiền Công ty Yên Khánh phải thanh toán hợp đồng mua bán quyền thu phí.

Theo VKS, hành vi trên của ông Thăng đã tạo điều kiện để Đinh Ngọc Hệ sau đó thực hiện việc che dấu doanh thu, chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng của nhà nước.

Về mối quan hệ của Đinh Và Thăng và Đinh Ngọc Hệ, VKS cho biết "tất cả đã được nêu trước đó" nên không tranh luận thêm.

NGỌC NHI(t/h)

/de-nghi-muc-an-10-11-nam-tu-cho-ong-dinh-la-thang.html