/ Kết nối
/ Luật sư và vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Luật sư và vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

19/10/2024 18:08 |

(LSVN) - Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, vai trò của Luật sư không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hay tổ chức trong các vụ việc pháp lý mà còn mang tính chất quyết định trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Luật Nhà ở năm 2024 là một ví dụ tiêu biểu, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ về nhà ở và bất động sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực đô thị hóa và bất động sản, Luật sư có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, góp ý và tham gia xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến nhà ở, đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch và hiệu quả.

Về vai trò của Luật sư trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, có thể thấy, thứ nhất, Luật sư với vai trò là người tư vấn pháp luật, áp dụng luật một cách công bằng và chính xác. Luật sư là những chuyên gia pháp luật, không chỉ đại diện cho thân chủ trước tòa án mà còn đóng vai trò là người tư vấn, giúp các cá nhân và tổ chức hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Trong quá trình tư vấn, Luật sư cần đảm bảo rằng các quy định được áp dụng một cách công bằng, chính xác và phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mọi đối tượng liên quan. Ví dụ, nếu chủ đầu tư muốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, Luật sư sẽ hướng dẫn các điều kiện cần đáp ứng như hợp đồng bảo lãnh từ ngân hàng, thời điểm được phép bán theo Luật Nhà ở 2024. Sự tư vấn chính xác này giúp chủ đầu tư tránh rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người mua.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, trong quá trình tham gia xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện pháp luật, các Luật sư có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho Nhà nước và các cơ quan ban ngành về việc ban hành, xây dựng và sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Với sự hiểu biết sâu rộng và chặt chẽ về luật pháp, Luật sư thường tham gia các hội thảo thảo luận về dự thảo luận, đóng góp ý kiến dựa trên các hoạt động pháp lý. Hoạt động này giúp cho các quy định pháp luật được xây dựng một cách dễ hiểu, minh bạch, hợp lí và khả thi. Thông qua việc tham gia vào các buổi thảo luận, hội thảo do các cơ quan Nhà nước tổ chức, Luật sư có thể phản biện, góp ý về các quy định pháp luật. Sự phản biện này giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có cái nhìn thực tiễn hơn về tác động của các quy định mới đối với xã hội và nền kinh tế, từ đó đảm bảo rằng các quy định không chỉ phù hợp với lý thuyết mà còn có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tế.

Thứ ba, Luật sư đại diện và bảo vệ quyền lợi trong các tranh chấp pháp lý của các đương sự. Luật sư với vai trò là người bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức. Họ tham gia vào các vụ tranh chấp pháp lý, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đương sự tham gia, giúp đảm bảo mọi cá nhân đều có quyền tiếp cận pháp luật một cách công bằng, dân chủ. Luật sư không chỉ giúp thân chủ giải quyết các vụ việc tại Tòa án mà còn đóng góp lớn trong việc hòa giải, thương lượng ngoài tòa, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Luật sư đại diện cho thân chủ, chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, lập luận dựa trên quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và đồng thời phản biện lập luận của đối phương. Ngoài ra, họ còn tư vấn cho thân chủ về các rủi ro pháp lý, đánh giá khả năng thắng kiện và đề xuất các giải pháp tốt nhất. Trong các vụ án hành chính, Luật sư giúp người dân bảo vệ quyền lợi trước các quyết định không hợp pháp từ phía cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, Luật sư còn giám sát quá trình tố tụng, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong xét xử, bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của thân chủ. Như vậy, quyền năng của Luật sư đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong quá trình tranh tụng, Luật sư giúp định hình pháp luật áp dụng vào thực tiễn đồng thời giúp quá trình áp dụng pháp luật một cách công bằng, minh bạch.

Cuối cùng, Luật sư với vai trò là người làm việc với các công cụ pháp lý hàng ngày, nên họ dễ dàng tìm ra được lỗ hổng, các quy định được áp dụng chồng chất, lỏng lẻo, có khả năng nhận diện những vấn đề tiềm ẩn trong quá trình áp dụng pháp luật. Họ thường phát hiện ra những điểm chồng chéo, thiếu sót hoặc không rõ ràng trong các quy định, khiến việc thực hiện gặp khó khăn. Ví dụ, khi Luật sư tham gia giải quyết một vụ tranh chấp, họ có thể nhận ra rằng một số điều khoản của luật có sự mâu thuẫn hoặc gây hiểu nhầm, dẫn đến sự áp dụng không nhất quán. Việc phát hiện những vấn đề này đóng vai trò quan trọng, giúp hệ thống pháp luật được điều chỉnh kịp thời và phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc áp dụng.

Như vậy, Luật sư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật sư giúp các quy định của dự thảo Luật của Nhà nước được áp dụng minh bạch, công bằng và có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, với cái nhìn sâu sắc của các nhà luật học, Luật sư dễ dàng tiếp cận và phổ biến cho các chủ thể bao gồm các cá nhân, tổ chức có thể áp dụng được các quy định của pháp luật sao cho đúng với Hiến pháp 2013 với nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì luật không cấm.

Nhận thấy được vai trò quan trọng của mình trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, các Luật sư đã tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các dự thảo Luật quan trọng của đất nước. Và gần đây nhất, các Luật sư đã tiến hành đóng góp xây dựng và hoàn thiện Luật Nhà ở – một văn bản luật quan trọng, tác động to lớn và trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người dân. Vai trò của Luật sư qua các hoạt động đó được thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, Luật sư phân tích quy định pháp luật và phản biện xã hội. Qua quá trình tranh tụng, tư vấn pháp luật cho khách hàng, Luật sư có thể dễ dàng phân tích, hiểu sâu về các quy định pháp luật và cách áp dụng những quy định đó trên thực tiễn. Từ đó, Luật sư thấy được những điểm hạn chế trong các quy định pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể, nắm được quy định nào chưa hợp lý, quy định nào còn thiếu sót. Và qua đó, có thể đưa ra ý kiến chính xác nhất. Đồng thời, các Luật sư cũng tham gia phản biện xã hội về các vấn đề nhà ở. Đối với các nội dung quy định pháp luật và các tình huống, trường hợp phát sinh trên thực tế, Luật sư đều đưa ra những quan điểm khác nhau, từ nhiều góc độ. Nên, bất kỳ vấn đề xã hội nào xảy ra, khi có sự tham gia của Luật sư thì đều có sự khách quan, áp dụng pháp luật linh hoạt, đúng đắn. Như vậy, qua việc phân tích pháp luật và phản biện xã hội của Luật sư, các quy định của Luật Nhà ở nói riêng và các văn bản khác nói chung sẽ được nhìn nhận một cách công tâm và có thể được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả cao.

Thứ hai, các Luật sư tham gia đại diện trong, ngoài tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể. Với nhiệm vụ nghề nghiệp của mình, Luật sư chính là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cá nhân và pháp nhân trong các quan hệ pháp luật về đất đai, nhà ở. Bằng việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình, các Luật sư đã đảm bảo các quy định pháp luật về nhà ở được thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế, đồng thời cũng vận dụng sáng tạo các quy định đó để thực hiện công việc của mình. Vì vậy, các quy định trong Luật Nhà ở được xây dựng và vận dụng tối đa để đảm bảo quyền của các chủ thể, trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Thứ ba, Luật sư tham gia góp ý và xây dựng quy định, chính sách pháp luật về nhà ở. Đây là khía cạnh thể hiện rõ nhất sự đóng góp của Luật sư trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về nhà ở cũng như các lĩnh vực khác. Các Luật sư tích cực tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, các buổi thảo luận do các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, báo chí tổ chức để góp ý, bàn luận, tranh biện về dự thảo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Nhà ở. Trong các buổi đóng góp đó, Luật sư có thể cung cấp cái nhìn từ thực tiễn, gần gũi với quyền, nghĩa vụ của người dân, gắn liền với những vướng mắc còn tồn tại trên thực tế, những sai sót của các quy định pháp luật. Và qua đó, các Luật sư đưa ra được những hướng giải quyết, những dự thảo quy định phù hợp với thực tiễn mà vẫn đúng với những học thuyết cơ bản của hệ thống pháp luật. Vì vậy, rất cần có sự tham gia của Luật sư, những người trực tiếp sử dụng những quy định pháp luật, trực tiếp làm việc với nhân dân để có một văn bản luật chuẩn xác và bảo đảm quyền lợi tối đa của các chủ thể.

Cuối cùng là khía cạnh giáo dục, tuyên truyền và giải thích pháp luật. Luật sư là người trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với người dân, do đó mà ngoài việc thực hiện tốt công việc chuyên môn, Luật sư còn là người giáo dục, tuyên truyền và giải thích pháp luật trong đó có Luật Nhà ở. Luật sư giúp người dân hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ của mình, thực hiện nghiêm túc quy định về nhà ở. Đồng thời, từ việc nắm được quy định pháp luật, người dân là người nhận thấy được những điểm chưa hợp lý của các quy định đó, và có thể đưa ra những phản ánh phù hợp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Ngoài ra, Luật sư còn có vai trò về định hướng pháp luật trong tương lai, đầu tiên là vai trò của Luật sư trong định hướng phát triển bền vững. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện đại, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, Luật sư có thể đóng vai trò như những người đưa ra những định hướng chính sách pháp luật phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Luật sư chính là cầu nối giữa Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư với nhau. Từ đó, góp phần xây dựng xã hội hài hòa, bền vững, tạo nên nền pháp lý công bằng, bình đẳng, đưa đất nước phát triển nhanh chóng.

Tiếp theo là Luật sư tiếp tục tham gia cải tiến hệ thống pháp luật. Không chỉ hiện tại, mà trong tương lai, các Luật sư sẽ tiếp tục, không ngừng nghỉ tham gia đóng góp, xây dựng các dự thảo Luật, các nội dung đổi mới quy định pháp luật. Để qua đó, đảm bảo các quy định pháp luật được đúng đắn, đáp ứng, theo kịp sự phát triển của xã hội và nhu cầu của thực tiễn. Và có thể tránh được tình trạng phải liên tục thay đổi các văn bản pháp luật quá nhiều lần, ví dụ như Bộ luật Dân sự cứ 05 năm đổi 1 lần trong khi Bộ luật Dân sự của Pháp đã tồn tại từ năm 1804, đến giờ vẫn còn nguyên giá trị vận dụng.

Và sau cùng, Luật sư đóng vai trò dự báo và thích ứng với các thay đổi của xã hội. Luật sư khi thực hiện công việc của mình, luôn phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, áp dụng nhuần nhuyễn những thông tin tiếp nhận. Vì vậy, các Luật sư nắm bắt rất tốt các xu hướng xã hội, sự thay đổi của kinh tế, sự biến động của chính trị. Nên, Luật sư sẽ là người đưa ra những dự báo có thể xảy ra trong thực tế, thích ứng với những thay đổi và cũng như đưa ra các giải pháp tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

Ngày nay, số lượng Luật sư sẽ không ngừng tăng lên, các cơ sở đào tạo ngành luật được mở ra ngày một nhiều, những người học luật ngày càng nhiều, như vậy để đảm bảo giữ vững vai trò của Luật sư trong hệ thống pháp luật, trong đời sống xã hội và đặc biệt trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, mỗi Luật sư và người học, người hành nghề luật, cần không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp và giữ vững được đạo đức hành nghề, lòng nhiệt huyết tận tâm đóng góp với nghề, với đời. Nhất là những sinh viên, học viên ngành luật, là nguồn nhân lực tiềm năng của ngành luật, cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, học đi đôi với hành, tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn hành nghề để ứng dụng tư duy pháp luật vào công việc tốt nhất. Vì vậy, Luật sư, những người học và hành nghề về luật, cần luôn tự học, tự hoàn thiện bản thân để xứng đáng với vị trí quan trọng của ngành nghề trong xã hội, trở thành đội ngũ hành nghề vừa hồng vừa chuyên, có đức có tài, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước.

Luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, không chỉ tham gia vào quá trình lập pháp mà còn đưa ra những đề xuất quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội, họ góp ý về các điều khoản pháp luật, giúp đảm bảo luật không chỉ rõ ràng mà còn khả thi trong thực tiễn. Đặc biệt trong Luật nhà ở 2024, Luật sư bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức, và nhà đầu tư trong các tranh chấp liên quan đến nhà ở, góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật công bằng. Ngoài ra, họ còn phát hiện và đề xuất sửa đổi những điểm chưa hợp lý trong các quy định hiện hành. Vai trò của Luật sư là cầu nối quan trọng giữa luật pháp và thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác