Sự đồng hành, phối hợp giữa Báo chí với Luật sư trong công tác tuyên truyền pháp luật
Điều 3 của Luật Báo chí có định nghĩa: Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong những năm gần đây, có thể thấy rõ sức mạnh của báo chí, truyền thông tác động đến muôn mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo mạng, các thông tin được truyền tải đôi khi có sức lan tỏa nhanh, rộng và tác động vô cùng mạnh mẽ .
Theo số liệu công bố đến cuối tháng 11/2021, Việt Nam có tổng số 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Nhiều báo bao gồm báo in, báo điện tử, tạp chí in, tạp chí điện tử [1] với nhiều chuyên trang, chuyên mục phong phú.
Cũng như báo chí, cùng với sự phát triển của xã hội, tổ chức Luật sư Việt Nam cũng phát phiển không ngừng và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến ngày 30/5/2022, cả nước có 63 Đoàn Luật sư gồm 16.717 luật sư thành viên tham gia hoạt động trên tất cả các lĩnh vực hành nghề và đã đóng góp tích cực cho, chủ động, hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân (2). Trong đó, hình thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông và mang lại hiệu quả rất lớn.
Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực thiết thực của đời sống như quyền lợi của người lao động, các vấn đề về kinh doanh, về lĩnh vực đất đai, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các vấn đề liên quan đến chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng chống dịch, các hoạt động từ thiện, các vụ, việc về bạo lực học đường, bạo lực với trẻ em, các hoạt động vi phạm luật an ninh mạng… đều có sự tham gia tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí. Đặc biệt, những vấn đề nổi cộm, báo chí đều có tham khảo hoặc trao đổi với các luật sư có uy tín nhằm phân tích, đánh giá để có những hướng dẫn để người dân có thái độ, phản ứng đúng pháp luật, tránh những biểu hiện quá khích, lệch lạc.
Qua đó cũng cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế các vi phạm tương tự hoặc các hệ lụy có thể phát sinh do phản ứng tiêu cực, trái pháp luật đối với những sự việc, sự kiện đó. Đó chính là sự đồng hành, hợp tác giữa báo chí và luật sư góp phần rất lớn cho công cuộc bảo đảm ổn định trật tự xã hội.
Những năm gần đây, Đài phát thanh, truyền hình từ trung ương đến các địa phương đã có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua chuyên mục giải đáp, tư vấn hoặc phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thứ phong phú, đa dạng như các buổi Tọa đàm, các buổi nói chuyện, phỏng vấn, giải đáp thắc mắc, các chuyên mục… với hầu hết các chủ đề thiết thực của của sống với sự tham gia trực tiếp hoặc cố vấn của các luật sư mang đến cho nhân dân những kiến thức pháp luật thực sự hữu ích trong đời sống. Mặt khác, thông qua hoạt động tuyên truyền của báo chí, các luật sư cũng có điều kiện tiếp cận hơn, đến gần người dân hơn và đôi khi chính sự ủng hộ, đồng tình của dư luận của đông đảo người dân cũng góp phần cho thành công của các luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, tạo nên lợi thế, sức mạnh cho các luật sư trong việc bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ công lý.
Sự đồng hành, phối hợp của báo chí và luật sư cũng không chỉ giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, có thêm kiến thức và những địa chỉ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật mà còn giúp người dân dần dần có thói quen tham khảo, tư vấn luật sư, khi tham gia các giao dịch quan trọng hoặc quyết định những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình để hạn chế những thiệt thòi rủi ro. Qua đó, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật của người dân từng bước được nâng cao.
Tiếp tục phối hợp, đồng hành giữa báo chí và Luật sư là yêu cầu không thể thiết với sự phát triển lành mạnh của xã hội
Tại buổi gặp mặt giữa Thường trực Liên đoàn Luật sư và Tổng Biên tập một số cơ quan báo chí phía Nam vào ngày 11/6/2022, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh đã nhấn mạnh: “Rất mong các cơ quan báo chí đồng hành, phối hợp để bảo vệ quyền con người, pháp chế cũng như chế độ dân chủ, tiến đến mục tiêu phục vụ công đồng và nhân dân”.
Muốn xã hội phát triển văn minh, dân chủ, kỷ cương thì trước hết người dân phải hiểu biết pháp luật, có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Muốn người dân hiểu biết pháp luật, có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, ý thức pháp luật cho người dân. Một trong những phương pháp tuyên truyền, phổ biến nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông - đó chính là báo chí. Hy vọng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa báo chí và luật sư ngày càng được quan tâm, phát triển hơn thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực nhằm phổ biến nhiều hơn, hiệu quả hơn kiến thức pháp luật ở tất cả lĩnh vực đến đời sống xã hội đến toàn dân, đặc biệt là những người yếu thế, trẻ em.
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa báo chí và luật sư muốn hiệu quả, muốn đem đến lợi ích tốt đẹp, văn minh cho xã hội thì cả báo chí và luật sư đều phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối chấp hành, tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của mình. Có như vậy thì sự hợp tác giữa báo chí và luật sư mới mang đến thành công cho việc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] Theo thời báo Tài chính Việt Nam ngày 24/12/2021.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai