/ Kinh tế - Pháp luật
/ Lưu ý khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh

Lưu ý khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh

28/05/2021 15:35 |

(LSVN) - Lựa chọn ngành nghề kinh doanh là một trong những bước đầu của quá trình thành lập doanh nghiệp. Về nguyên tắc, pháp luật cho phép doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc thù doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định thì mới được phép kinh doanh.

Ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được định nghĩa tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước như sau: “ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là ngành nghề được xá lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển doanh nghiệp, do chủ sở hữu quy định và giao cho doanh nghiệp thực hiện khi thành lập và trong suất quá trình hoạt động của doanh nghiệp”.

Ngành nghề kinh doanh trước đây được ghi đầy đủ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng từ khi Luật Doanh nghiệp mới được sửa đổi năm 2015 thì đã bỏ ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thay vào đó, các thông tin đăng ký của doanh nghiệp được công bố công khai trên trang web của Bộ kế hoạch và đầu tư, bất kỳ ai cũng có thể tra cứu.

Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp khi thành lập công ty là việc làm bắt buộc bởi doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký. Chủ doanh nghiệp có quyền tùy ý lựa chọn ngành nghề mình muốn (hoặc dự định trong tương lai sẽ) kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu bạn mới khởi nghiệp thì không cần đăng ký quá nhiều ngành nghề vì bạn sẽ không kiểm soát được những lĩnh vực công ty được phép hoạt động nên dễ sai phạm trong việc xuất hóa đơn hoặc dù doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề đó nhưng chưa đủ điều kiện để kinh doanh… thì cũng bị coi là sai phạm.

Hiện nay việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg quy định về hệ thống ngành kinh tế việt nam. Để thực hiện đúng các quy định nêu trên, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lưu ý một số nội dung chính sau đây:

1. Không lựa chọn các ngành nghề kinh doanh pháp luật cấm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”. Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây: 

- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ;

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Doanh nghiệp cần lưu ý không được phép kinh doanh những ngành nghề nêu trên, bởi ngoài việc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu như các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề bị cấm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: đối với hành vi kinh doanh mại dâm với nhiều hành vi khác nhau như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm,… với mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 -15 năm tù (tội “Môi giới mại dâm”) hoặc chung thân (tội “Chứa mại dâm”). 

Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi kinh doanh pháo nổ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự, theo đó mức hình phạt cao nhất đối với người có hành vi buôn bán pháo nổ là 15 năm tù, đặc biệt, pháp nhân thương mại vi phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là phạt tiền đến 5.000.000.000 đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 
 
2. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020: “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hiện nay Luật Đầu tư 2020 quy định 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải chú ý ngành nghề đó có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không? các điều kiện đó là gì? cần đáp ứng đủ điều kiện mới được phép kinh doanh ngành nghề đó. Một số điều kiện điển hình như điều kiện về vốn pháp định, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội hay sức khỏe của cộng đồng….

Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề xuất khẩu lao động thuộc mã ngành 7830: Cung ứng và quản lý nguồn lao động. Đối với ngành nghề này, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng; Và khi hoạt động ngành nghề này, doanh nghiệp phải được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động theo quy định tại Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, có một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh bất động sản (có vốn pháp định là 20 tỉ đồng); Sản xuất mỹ phẩm (Có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm), Kinh doanh dịch vụ ăn uống (Có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm); Dịch vụ môi giới bất động sản (người có chức danh quản lý phải có chứng chỉ môi giới)….

Một lưu ý đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện là trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp, bên cạnh việc ghi mã ngành, tên ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải ghi chi tiết văn bản pháp luật quy định về điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh đó, tránh trường hợp bị trả hồ sơ đăng ký kinh doanh. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ rất khó khăn nếu như doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện của ngành nghề được kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong trường hợp đó là ngành nghề bắt buộc hay ngành nghề chính mà doanh nghiệp phải lựa chọn trong hoạt động kinh doanh của mình. Trường hợp nếu đó là ngành nghề doanh nghiệp dự tính có thể phát sinh hoạt động kinh doanh sau này thì không nên đăng ký đối với ngành nghề có điều kiện. Khi đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài giấy đăng ký kinh doanh do Sở kế hoạch Đầu tư cấp cấp, thì bắt buộc phải có thêm một loại giấy tờ quan trọng được gọi là Giấy phép con, hay giấy phép kinh doanh. 

Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Giám đốc Công ty luật TNHH HOK.

3. Ngành nghề kinh doanh chính

Ngành nghề kinh doanh chính là một trong những nội dung bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Ý nghĩa của việc đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là căn cứ để chi cục thuế cấp mã chương, loại, khoản cho doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Do vậy ngành nghề kinh doanh chính là nội dung được quy định để thống kê, phân loại doanh nghiệp, nó không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với vai trò giới thiệu công ty thì thì ngành nghề kinh doanh chính giúp đối tác nhận biết nhanh chóng về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp một cách rõ ràng, và đầy đủ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thật sự chắc chắn quyết định, cân nhắc kỹ lưỡng lĩnh vực kinh doanh chính của công ty mình.

Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp khi thành lập công ty là việc quan trọng, bởi doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký. Tuy nhiên doanh nghiệp không cần đăng ký quá nhiều ngành nghề vì sẽ không kiểm soát được những lĩnh vực công ty được phép hoạt động nên dễ sai phạm trong việc xuất hóa đơn hoặc dù doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề đó nhưng chưa đủ điều kiện để kinh doanh… thì cũng bị coi là sai phạm. Khi doanh nghiệp phát triển tốt mà muốn mở rộng kinh doanh thêm các lĩnh vực khác thì doanh nghiệp có thể làm thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh sau. Việc này rất đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian và công sức. Đối với thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định của luật, thủ tục này chỉ mất 03 ngày kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀN

Giám đốc Công ty luật TNHH HOK

Những việc cần thực hiện ngay sau khi thành lập công ty

Lê Minh Hoàng