Ở Luật Gia Long, tại Điều 108 đã quy định rõ: “Nếu vợ chồng không ăn ở hòa hợp được với nhau và cả hai cùng muốn ly dị thì không phải tội vì tình đã đến mức chia lìa thì khó mà níu kéo hòa hợp được”.
Chú thích về điều luật này, nhà làm luật ở thời Gia Long đã nói rõ thêm như sau: “Nếu vợ chồng không thể sống hòa hợp được với nhau và cả hai đều mong muốn được ly dị thì có thể xem như là tình đã không hợp được, mà nghĩa cũng đã lìa tan, cho nên không thể hòa hợp được nữa. Tuy là cái điều không ai mong muốn xảy ra, nhưng vì là tình trạng đã tuyệt nghĩa nên cũng đồng ý với sự ly dị mà không bắt tội”.
Ảnh minh họa.
Nếu giá thú đòi hỏi những nghi thức trọng thể, với sự tham dự của các thân thuộc bằng hữu, thì sự ly hôn mặc dù dưới hình thức ưng thuận cũng khó có thể chỉ là một sự chia tay âm thầm, không có một chút thể thức nào để làm bằng chứng về sự ưng thuận ly dị và đảm bảo đối với quyền lợi cho mỗi bên đương sự trong tương lai.
Sự chia tay đơn giản chỉ có thể quan niệm được đối với những cặp vợ chồng “cầu hợp”, nghĩa là đối với những người đã chung sống như vợ chồng nhưng không cử hành về nghi lễ giá thú theo luật lệ. Trái lại, một khi đã có cưới xin đàng hoàng, thì nếu hai vợ chồng hoặc vì tính tình xung khắc, hoặc vì một duyên cớ bất hòa nào khác, đã không muốn ăn ở với nhau được nữa và họ cùng đồng tình trả lại tự do cho nhau, thì họ thường làm với nhau một tờ giấy cam kết. Tờ giấy này thường được hai bên đương sự làm tự với nhau, mà không cần có người chứng kiến. Nói đúng hơn, giấy cam kết ấy, trong phần đông các trường hợp, là do người chồng làm và giao cho người vợ, trong đó chứng nhận rằng người này có thể được tự do tái giá.
Ngược lại, để tránh các khó khăn trong công việc lập gia đình với một người đàn bà khác, nên người chồng đã yêu cầu người vợ cấp cho một tấm giấy chứng nhận là trả lại tự do cho mình để được tái thú, nhất là đối với một người vợ khó tính, hay kiếm chuyện gây gổ. Song, cũng có khi giấy thuận tình ly hôn đều do cả hai vợ chồng cùng ký kết (thường là người chồng ký và người vợ điểm chỉ), chúng được làm thành hai bản, và trên chỗ mép của hai bản giấy này đã được ghép lại với nhau để ghi chữ “giáp lai”, rồi giao cho mỗi người giữ một bản để làm bằng.
Điểm qua các duyên cớ ly hôn trên đây, cho thấy quyền lợi của người đàn bà trong ly hôn chưa được cổ luật đảm bảo một cách đầy đủ. Người chồng có thể rẫy vợ trong những trường hợp thất xuất, ngoài sự can thiệp và kiểm soát của tòa án. Nếu bị oan ức, thì người vợ phải đi kiện mới có thể làm sáng tỏ được vấn đề, nhưng cũng không phải dễ dàng.
Cả trường hợp ly hôn thuận tình cũng không phải hoàn toàn đảm bảo được quyền lợi của người đàn bà. Hơn nữa, trong những trường hợp nghĩa tuyệt, cổ luật còn bắt người chồng phải bỏ không thì sẽ bị hình phạt. Chỉ có một số ít trường hợp được luật pháp công nhận cho cả hai người phối ngẫu có quyền được xin ly hôn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cho thấy các nhà làm luật dưới triều Nguyễn cũng đã khá chu đáo trong việc bảo vệ về quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và ổn cố của đời sống gia đình. Hơn nữa, trong thực tế, vì mục đích cao cả của giá thú trong xã hội Việt Nam ngày trước, cùng với sự mở rộng cửa của chế độ đa thê, vấn đề danh dự giữa hai dòng họ thông gia, sự giáo dục cẩn thận của gia đình (tức là gia giáo), sự củng cố của nền nếp gia phong, ý thức về tình nghĩa và bổn phận đã ràng buộc chặt chẽ đối với con người trong xã hội cũ, nên những hiện tượng ly hôn trong xã hội ngày xưa thường rất ít diễn ra.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn. Theo đó, trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. |
CẨM NGỌC
Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn