/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Giải pháp nào cho nguồn cung khi điện truyền thống đang cạn kiệt?

Giải pháp nào cho nguồn cung khi điện truyền thống đang cạn kiệt?

05/01/2021 17:58 |4 năm trước

LSVNO - Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện tại tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 48.000 MW, mức độ khả dụng chỉ là 39.000 MW. Đến năm 202...

LSVNO - Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện tại tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 48.000 MW, mức độ khả dụng chỉ là 39.000 MW. Đến năm 2020 phải có thêm khoảng 4.000 MW, tương đương cần 43.000 MW nhưng chưa tìm ra nguồn cung.

Mặc dù điện mặt trời phát triển bùng nổ thời gian qua nhưng cũng không "gánh" được nguồn điện bị thiếu hụt. Lượng điện còn lại phải bù bằng các nguồn điện truyền thống khác như điện than, điện khí, thuỷ điện, thậm chí phải tính đến làm điện hạt nhân.

Ông Lâm đã đưa ra thông số cụ thể về mức độ tiêu thụ, nếu lấy tổng lượng điện thương phẩm của năm 2019 là 212 tỷ kWh chia cho 365 ngày thì mỗi ngày cần khoảng 750 triệu kWh. Trong đó, tính đến ngày 21/8/2019 vừa qua, với công suất điện mặt trời đạt 27 triệu kWh, lượng điện còn lại cần có sẵn sàng “bất kể ngày đêm” phải là  720-730 triệu kWh.

Điện mặt trời phát triển bùng nổ, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với lượng điện thiếu hụt.

Điện mặt trời quan trọng nhưng lúc cao điểm chỉ đáp ứng 27 triệu kWh/750 triệu kWh. Như vậy, lượng còn lại phải bù vào bằng các nguồn điện truyền thống khác như điện than, điện khí, thuỷ điện…

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than... giai đoạn 2021 - 2025 hệ thống sẽ thiếu điện.

Cụ thể, sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh, các năm tiếp theo 2024 - 2025 thiếu hụt giảm dần sau khi bổ sung nguồn điện từ các cụm Nhiệt điện khí lô B, Cá Voi xanh.

Ông Lâm cho rằng, năm 2025 dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện vẫn là trên 10%/năm. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về điện, cơ cấu các nguồn điện truyền thống cần được quan tâm đúng mức, nghiêm túc.

Hiện nay, năng lượng truyền thống hiện chỉ còn nhiệt điện than và nhiệt điện khí có thể nhìn tới. Trong bối cảnh Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc khai thác than khá khó khăn, công suất không lên được trong khi giá lại tăng lên, dẫn tới phải nhập khẩu than, khí.

“Nhập khẩu khí về phải hoá lỏng chứ không thể nhập khẩu khí tự nhiên, đi bằng tàu lại cần có cảng nước sâu. Có rất nhiều khó khăn, phải trông chờ vào đầu tư lớn, dài hạn thì chủ mỏ khí mới quyết định mở mỏ bởi mỏ khí cần đầu tư 5 – 7 năm, thậm chí 10 năm mới có khí. Do vậy, cần phải tính toán quy hoạch sớm, chỗ nào làm được nhà máy khí, chỗ nào làm nhiệt điện than”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam của Bộ Công thương vào ngày 29/8/2019, ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã có ý kiến liên quan đến điện hạt nhân ở Việt Nam.

Mặc dù Quốc hội đã dừng việc làm điện hạt nhân. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, chúng ta đang phải nhập khẩu than, sắp tới nhập khí hóa lỏng. Nhiệt điện cũng rất nhiều vấn đề, người dân nhiều nơi phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm. Thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn.

Việt Nam từng có kế hoạch làm điện hạt nhân, nhưng năm 2016 phải dừng lại. Ảnh minh họa.

“Điện tái tạo rất giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Dù ta có nhiều điện mặt trời, điện gió thì phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo được. Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng (điện hạt nhân - PV), nhưng về lâu dài tôi lo một ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân”, ông Quân nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng đồng quan điểm: Việt Nam thiếu điện bắt đầu từ năm 2022 - 2023. Vì lẽ đó, cần đẩy nhanh tiến độ của các nhà máy chậm tiến độ như nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú 1..., đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời. Như vậy đến năm 2022 - 2023 sẽ có thêm nguồn điện bổ sung vào hệ thống.

Mặt khác, TS. Nguyễn Mạnh Hiến đánh giá: "Việt Nam dừng lại điện hạt nhân nhưng không nên bỏ hẳn. Sau năm 2030, Việt Nam thiếu năng lượng nghiêm trọng. Do đó, than đã hết phải nhập khẩu. Thủy điện cũng khai thác hết, chúng ta cũng sắp sửa phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Cho nên nếu tiếp tục không phát triển điện nguyên tử thì phải nhập khẩu rất nhiều khí hóa lỏng và than. An ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều".

Minh Sơn – Ngọc Danh