Biểu tượng của Tập đoàn Meta tại một hội nghị ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tuần trước, EU cũng công bố những thông tin tương tự với Apple, đánh dấu lần đầu tiên Brussels đưa ra các cáo buộc chính thức theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của khối.
Vụ việc với Meta tập trung vào mô hình đăng ký không có quảng cáo của hãng dành cho Facebook và Instagram, vốn đã vấp phải nhiều khiếu nại về quyền riêng tư. Mô hình được Meta tung ra vào năm 2023, cho người dùng lựa chọn trả tiền để tránh bị thu thập dữ liệu hoặc đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân với Facebook và Instagram để tiếp tục sử dụng nền tảng này miễn phí.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã thông báo cho Meta về “đánh giá sơ bộ” rằng mô hình này không tuân thủ DMA. EC cho rằng Meta cung cấp lựa chọn buộc người dùng phải đồng ý với việc bị thu thập dữ liệu cá nhân, thay vì cung cấp cho người dùng phiên bản mạng xã hội tương ứng mà ít cá nhân hóa hơn. Những đánh giá trên được đưa ra sau khi EC bắt đầu cuộc điều tra về Meta vào tháng 3, dựa trên DMA. Đạo luật này buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới phải tuân thủ các quy tắc của EU để cung cấp cho người dùng châu Âu nhiều lựa chọn hơn trên không gian trực tuyến.
Về phần mình, Meta khẳng định mô hình của hãng tuân thủ DMA. Người phát ngôn của Meta cho biết công ty muốn có thêm cuộc đối thoại mang tính xây dựng với EC để kết thúc cuộc điều tra này. Hiện Meta có thể phúc đáp thông báo của EC và tránh được khoản phạt bằng cách điều chỉnh mô hình để giải quyết các mối lo ngại của EU.
Tuy nhiên, nếu cáo buộc của EC được xác nhận, thì theo DMA, cơ quan này có thể phạt Meta tối đa 10% tổng doanh thu toàn cầu cho lần vi phạm đầu và 20% đối với những lần tái phạm. Tổng doanh thu toàn cầu của Meta năm 2023 ở mức khoảng 135 tỉ USD.
Theo TTXVN