/ Pháp luật - Đời sống
/ Miễn giảm lệ phí để khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Miễn giảm lệ phí để khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến

09/06/2023 10:03 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về miễn, giảm phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, việc miễn, giảm phí, lệ phí phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng dịch vụ công cụ thể và thuộc thẩm quyền quy định của 4 cơ quan (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh).

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Bộ Tài chính đã nhận được kiến của cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị sớm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí khi làm thủ tục hành chính để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Bộ Tài chính, ngày 11/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020. Tại điểm 15 Nghị quyết số 129/NQ-CP giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ giải pháp miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện nhiệm vụ công trực tuyến. Ngày 21/9/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11523/BTC-CST gửi Văn phòng Chính phủ về phí, lệ phí liên quan đến dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 3 Luật Phí và lệ phí quy định: Phí, lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật.

Điều 10 Luật này cũng quy định, các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Luật Phí và lệ phí cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến không thuộc đối tượng miễn, giảm phí, lệ phí theo quy định tại Điều 10 Luật phí và lệ phí. Để khuyến khích hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến có thể quy định mức phí, lệ phí thấp hơn so với mức phí, lệ phí áp dụng đối với cung cấp trực tiếp.

Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các khoản phí, lệ phí hiện hành thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và đề xuất mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp trực tuyến hợp lý; gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền. Cùng với đó, UBND cấp tỉnh rà soát, trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu phí, lệ phí (thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh) đối với hoạt động cung cấp trực tuyến phù hợp.

Đến nay, trên cơ sở đề xuất của các bộ chuyên ngành, Bộ Tài chính đã quy định giảm 50% mức thu một số khoản phí, lệ phí khi cung cấp dịch vụ công mức độ 4 (phí thẩm định để cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ tại Thông tư số 116/2021/TT-BTC; phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với một số dịch vụ công tại Thông tư số 48/2022/TT-BTC) và quy định miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ công mức độ 4 (Thông tư số 47/2019/TT-BTC).

PV

Chính phủ chỉ đạo giảm tiếp 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước

Nguyễn Mỹ Linh