/ Luật sư trực ban
/ Miễn học phí tiểu học nhưng phải đóng các khoản thu nào?

Miễn học phí tiểu học nhưng phải đóng các khoản thu nào?

08/10/2022 10:48 |

(LSVN) - Hiện nay, Nhà nước có quy định miễn học phí tiểu học cho học sinh các trường công. Vậy, học sinh được miễn học phí tiểu học nhưng phải đóng các khoản thu nào? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tại khoản 3, Điều 99, Luật Giáo dục 2019 quy định như sau: "Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định".

Như vậy, không phải tất cả các trường tiểu học đều được miễn học phí. Chỉ có học sinh trường công được miễn học phí tiểu học. Học sinh học các trường tiểu học tư thục vẫn phải đóng học phí nhưng sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần.

Trong đó, căn cứ điểm d, khoản 6, Điều 99, Luật Giáo dục, cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Đồng thời, phải thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.

Trường tiểu học được phép thu các khoản nào?

Theo Luật sư, học sinh tiểu học ngoài việc được miễn (đối với trường công) hoặc được hỗ trợ học phí (đối với trường tư) thì phụ huynh có thể phải đóng một số khoản thu khác như:

Tiền dạy thêm, học thêm trong trường

Theo Điều 7, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về thu, quản lý tiền học thêm thì thu tiền học thêm là để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

Trong đó, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Đồng thời, nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

BHYT học sinh

Căn cứ theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, học sinh là một trong những đối tượng phải mua BHYT và thuộc nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (theo khoản 3, Điều 4, Nghị định 146/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, mức đóng BHYT đối với học sinh được quy định tại Điều 7, Nghị định 146/2018/NĐ-CP là 4,5% mức lương cơ sở. Đồng thời, theo Điều 8, Nghị định 146/2018/NĐ-CP này, học sinh sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

Mức đóng BHYT cho học sinh được tính như sau:

Mức đóng = Mức lương cơ sở x 4,5% x Số tháng tham gia.

Ngoài ra, theo khoản 7, Điều 13, Nghị định 146/2018/NĐ-CP thẻ BHYT được cấp hàng năm cho học sinh tiểu học. Trong đó, giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.

Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu

Điều 9, Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT quy định: Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Hiện nay, phần lớn các trường tiểu học đều có đồng phục riêng cho học sinh và tiền may đồng phục thường sẽ được thu vào đầu năm học.

Các khoản viện trợ, quà, biếu, tặng, cho

Theo khoản 1, Điều 3, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, các trường được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

- Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

- Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Ngoài các khoản thu trên, các trường có thể sẽ thu thêm các loại tiền khác như: Tiền phục vụ bán trú (tiền ăn, tiền các thiết bị phục vụ bán trú,…); tiền học 02 buổi/ngày; tiền nước uống… Các khoản thu này sẽ được quy định cụ thể tùy từng địa phương sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nhà trường không được phép thu các khoản nào?

Tại khoản 4, Điều 10, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:

- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Lưu ý: Quy định này chỉ áp dụng với các trường công lập.

HOÀNG HIÊN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức như thế nào?

Lê Minh Hoàng