Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) quan tâm đến Điều 4 về thu nhập được miễn thuế. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại biểu chỉ rõ, theo dự thảo Luật, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cũng thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Đại biểu phân tích, đơn vị sự nghiệp công lập đang thay mặt nhà nước cung ứng những dịch vụ công mà nhà nước đảm bảo. Nhà nước cũng có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên hiện nay đâng đảm bảo thay nguồn ngân sách từ nhà nước. Do đó, những đơn vị này không có nghĩa vụ phải đóng vào ngân sách nhà nước. Mặt khác, các dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công cũng chưa được tính đúng, tính đủ. Chính vì thế, nguồn thu của đơn vị đang dùng để cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo phương án tài chính đã được phê duyệt và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Hiện nay, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những vướng mắc, bất cập do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ, chưa đồng bộ. Dẫn đến đa số các đơn vị đang tự chủ gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu giảm dẫn đến phúc lợi hạn chế, thu nhập của viên chức, người lao động bị giảm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viên chức xin thôi việc; không giữ cân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ phân tích trên, Đại biểu đề nghị cần miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.
Cùng góp ý tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển nhanh của kinh tế trong nước, của khu vực và trên thế giới, Luật hiện hành đã thể hiện những bất cập về các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với các loại hình kinh doanh mới và xu thế phát triển. Tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua còn tương đối hạn chế.
Đại biểu bày tỏ đồng tình cần phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp như các quy định liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, nguyên tắc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ.
Góp ý cụ thể về phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với người nộp thuế có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) không có quy định về phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với người nộp thuế có có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh. Trong khi đó việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phân bổ cho từng tỉnh như trên còn một số bất cập.
Từ đó Đại biểu đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm quy định: “Đối với doanh nghiệp có nhiều đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất nằm trên nhiều địa bàn cấp tỉnh; Trường hợp đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất khác tỉnh có doanh thu, hạch toán riêng được doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thì thu nhập này sau khi bù trừ số lỗ của các Chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác (nếu có) phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại địa phương của cơ sở sản xuất này".
Về vấn đề thu nhập miễn thuế tại Điều 4, Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét bổ sung đối tượng hàng hóa miễn thuế là nhiên liệu nhập khẩu để gia công cho doanh nghiệp nước ngoài; sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp, thuế suất hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tạm xuất ra ngước ngoài để nghiên cứu phát triển sản phẩm, sau đó tái nhập trở lại Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Tại điểm d khoản 11 Điều 4 của dự thảo, Đại biểu đề nghị Ban soạn xem xét bổ sung thu nhập từ Quỹ tài chính nhà nước không có mục tiêu lợi nhuận do địa phương quy định hoặc quyết định như Quỹ hỗ trợ ngư dân của địa phương có ngành kinh tế biển, trong đó có Quảng Nam. Để hỗ trợ ngư dân tham gia lao động sản xuất, bảo tồn hệ sinh thái biển, tài nguyên của quốc gia được miễn thuế thu nhập, Đại biểu đề nghị sửa lại Điều này thành: “Thu nhập từ hoạt động có thu của các quỹ tài chính nhà nước và quỹ, tổ chức khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định hoặc quyết định”.
Về doanh thu tại Điều 8, tại điểm a khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật về thời điểm xác định doanh thu, Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hợp pháp, quyền sử dụng hàng hóa do người mua được căn cứ trên cơ sở nào (theo hợp đồng hay là theo quy định của pháp luật), áp dụng thời điểm nào (thời điểm hoàn thành, thời điểm cung ứng dịch vụ) hay thời điểm lập hóa đơn, cung ứng dịch vụ trên cơ sở nào (theo hợp đồng, theo quy định pháp luật hay theo thực tế giao dịch).
Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9), tại điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật, Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung chi phí được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí hỗ trợ ngoài phương án giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, chi phí này là một khoản chi rất lớn đối với các dự án có thu hồi đất. Việc không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp vô hình chung đẩy giá vốn bất động sản lên cao, đồng thời, cũng phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024 đối với các dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Nếu được xem xét, bổ sung chi phí này được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định các điều kiện chặt chẽ để các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo.
Tại điểm b khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể phương thức toán cho các khoản chi được trừ, sửa thành “Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ được thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của người nộp thuế hoặc tài khoản cá nhân liên quan đến người nộp thuế theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính của người nộp thuế, trừ các trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ”.