Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự. Ảnh: Tư liệu báo Tuổi Trẻ.
Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đã đưa ra đề xuất mới, có thể bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ những người không công tác trong ngành tòa án, trong đó có Luật sư với các điều kiện, tiêu chuẩn rất cao, bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ.
Đề xuất này mang tính đột phá, phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Tạp chí Luật sư Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài về quy định mới trong dự thảo:
Đề xuất đột phá từ thông lệ quốc tế
Đối với nhiều quốc gia, cơ chế bổ nhiệm thẩm phán từ Luật sư không giới hạn đối với chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và trong thành phần hội đồng bổ nhiệm có sự tham gia của đại diện tổ chức Luật sư quốc gia. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với Việt Nam là các chức danh thẩm phán, công tố, Luật sư đa phần đều được đào tạo chung, nên việc bổ nhiệm nguồn thẩm phán từ Luật sư không tạo ra sự chênh lệch về khoảng cách về trình độ, năng lực, phẩm chất.
Các nước Anh, Mỹ, Singapore, Brazil, Venezuela, Bỉ mặc dù không quy định các cuộc thi riêng cho thẩm phán, song đều yêu cầu trước khi làm thẩm phán phải từng là Luật sư với chế độ thi rất nghiêm ngặt.
Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Ngô Cường, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân Tối cao, trong Hội đồng Thẩm phán tối cao của Cộng hòa Pháp có một Luật sư, Ban Tư vấn về bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao. Ở Hàn Quốc có chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hàn Quốc. Ở Nhật Bản, thẩm phán Tòa án tối cao là những người có tầm hiểu biết rộng, có kiến thức sâu về pháp luật và từ 40 tuổi trở lên, trong số 15 thẩm phán Tòa án tối cao có ít nhất 10 thẩm phán được lựa chọn từ các thẩm phán, công tố viên, Luật sư.
Trong khi đó, ở Thái Lan, thẩm phán chuyên nghiệp được Hội đồng Tư pháp tuyển dụng và Quốc vương bổ nhiệm, ngoài tiêu chuẩn có quốc tịch Thái Lan, ít nhất 25 tuổi, phải vượt qua kỳ thi của Hiệp hội Luật sư Thái Lan để trở thành Luật sư bào chữa.
Luật sư Phan Trung Hoài trong một phiên tòa hình sự. Ảnh: Hoàng Điệp.
Ở Mỹ không thực hiện chế độ đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, mà thẩm phán liên bang và thẩm phán bang được lựa chọn từ các Luật sư. Để trở thành Luật sư ở Mỹ, trước hết phải tốt nghiệp đại học, sau đó thi vào trường luật, học trong vòng 3 năm các môn lý thuyết và thực hành về luật, sau khi tốt nghiệp sẽ phải trải qua kỳ thi tư pháp quốc gia để lấy bằng Luật sư.
Thông thường các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm trong số các Luật sư là những người nổi bật về khả năng chuyên môn, danh tiếng phải càng cao đối với vị trí thẩm phán Tòa án tối cao, được đánh giá bởi một ủy ban do Hiệp hội Luật sư Mỹ thành lập.
Tương tự như vậy, ở Canada, trên 90% các thẩm phán được bổ nhiệm từ các Luật sư đang hành nghề, những người đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và Hiến pháp.
Cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán
Bản thân tôi khi tham gia đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có điều kiện tiếp xúc và trao đổi với ông Thomas J. Crabtree, Chánh án Tòa án bang British Columbia (Canada), được biết hầu hết các thẩm phán đều xuất thân từ Luật sư có thâm niên hành nghề trên 10 năm, nên họ đặc biệt coi trọng trách nhiệm và ý nghĩa danh dự của mình khi được bổ nhiệm.
Khi chúng tôi hỏi dưới góc nhìn "con mắt" của thẩm phán, ông có quan điểm như thế nào về vai trò của Luật sư, ông nói như một lời tâm sự: "Tôi đã ngồi cương vị chánh án ở đây trong một thời gian rất dài, tôi hiểu mặc dù phải bảo đảm tư pháp độc lập, nhưng để một cơ chế tố tụng vận hành tốt, các chủ thể phải tương tác, phối hợp với nhau thực thi nhiệm vụ của mỗi bên".
Từ thực tiễn nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản góp ý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, thống nhất cao với việc dự thảo quy định tại khoản 2 Điều 97 về việc mở rộng nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ những người không công tác tại tòa án các cấp, trong đó có Luật sư.
Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam, do Luật sư là chức danh tư pháp nhưng không phải công chức, viên chức nhà nước, nên cần quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm. Cần làm rõ tiêu chuẩn "giữ chức vụ quan trọng" trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thời gian hành nghề, tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị và cơ chế liên thông để bổ nhiệm từ người không phải là công chức sang chức danh thẩm phấn Tòa án nhân dân Tối cao.
Mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao:Khoản 2 Điều 97 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao như sau: Người không công tác tại các tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, Luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử, giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân Tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. |
Tiến sĩ, Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Theo Báo Tuổi trẻ
Đề xuất Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải chịu chi phí